Ngành bán lẻ trong mùa dịch – Nỗ lực biến nguy thành cơ…

Dịch Covid-19 tạo sức ép chưa từng có lên ngành bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên trong nguy luôn có cơ, dịch bệnh cũng lại chính là cơ hội để ngành hàng tiềm năng này tái cấu trúc, tìm hướng đi thích hợp, mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh…

Nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng trong mùa dịch

Bất chấp dịch bệnh hoành hành và diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu vẫn tăng cao. Số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 8/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%.Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy đại dịch Covid-19 đã khiến mức độ quan tâm về sức khỏe tăng cao và làm thay đổi đáng kể xu hướng tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trong đó tiêu dùng an toàn và tăng cường mua sắm qua nền tảng thương mại điện tử là hai xu hướng tiêu dùng phổ biến nhất, tác động đáng kể đến thị trường bán lẻ trong nước. Trong 6 năm tiếp theo, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép, đạt gần 50%/năm.

Theo dự báo của các kênh nghiên cứu thị trường, trong thời gian tới nhu cầu tiêu dùng trực tiếp vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bà Trang Bùi – Giám đốc thị trường Công ty JLL Việt Nam nhận định: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình ngành bán lẻ trong vòng 18 đến 24 tháng qua tăng trưởng khá tốt. Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ lấy mất “phần bánh” của bán lẻ truyền thống, ngược lại đây sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ nếu biết nắm bắt và khai thác”.

Trong khi đó Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. Ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây. Thay vì ở nhà, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm, dịch vụ ở bên ngoài, miễn thấy đảm bảo và an toàn. Xu hướng này tạo nên một cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm để suy nghĩ lại về các dịch vụ sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng được sự hài lòng về nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện – nhưng vẫn có chất lượng cao và đạt chuẩn vệ sinh cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm này..

Uniqlo là một ví dụ điển hình cho thấy các cửa hàng với sản phẩm thực tế luôn chiếm ưu thế trong mọi hoàn cảnh. Sau khi chinh phục người tiêu dùng Hà Nội với cửa hàng tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch, Uniqlo mở liên tiếp hai cửa hàng tại các trung tâm mua sắm lớn TP.HCM là SC VivoCity và Vincom Center Landmark 81. Khi có cửa hàng, doanh số của Uniqlo đã tăng lên 40%. Cửa hàng tạo nên cảm giác thực chạm vào sản phẩm và thúc đẩy việc mua sắm tốt hơn – những trải nghiệm mà mua hàng online không thể mang lại được. “Thay vì rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi mua hàng online, tốt nhất là cứ ra cửa hàng thử. Vừa ý thì mua, không thì thôi; khỏi mất công đổi trả hay mất tiền oan” – chị Thuý Bùi, một tín đồ thời trang ở Hà Nội chia sẻ ẻ.

Nắm bắt cơ hội

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người tiêu dùng sẽ có sự thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng và tìm mua sản phẩm ở tất cả các kênh bán hàng. Trong bối cảnh đó, mô hình đa kênh (omnichannel) đã ra đời, bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống, giúp thương hiệu tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng để hành trình mua sắm của người tiêu dùng không bị gián đoạn.

Nắm bắt được xu thế này, doanh nghiệp bán lẻ đã áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ cả nhu cầu mua sắm online và offline. Theo đó người tiêu dùng có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng đại lý, nhưng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ ưu đãi. Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của đơn vị bán lẻ, nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng.

Điển hình như tại hệ thống siêu thị VinMart, bên cạnh nâng cao chất lượng bán hàng, VinMart đã ra mắt đội quân đi chợ hộ với cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: điện thoại, qua app và qua website. Hay như FPT Retail đề ra chiến lược bán hàng đa kênh trên nền tảng điện tử, bao gồm: Hợp tác với các thương hiệu điện thoại mạnh về phân phối qua kênh điện tử như Xiaomi, Honor, Realme; hợp tác với các nhà bán lẻ khác (như Nguyễn Kim) để cung cấp danh mục sản phẩm mới; mua sắm xuyên biên giới (thông qua hợp tác với Fado).

Theo  nhận định của chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, dịch Covid-19 thực sự là một thách thức lớn đối với ngành bán lẻ; tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng đại dịch này như một cơ hội, biến nguy thành cơ. Có thể thấy sau giãn cách, nhiều người có nhu cầu tiếp xúc xã hội, không chỉ mua các sản phẩm thời trang, làm đẹp, ăn uống, tập thể dục thể thao mà còn tới các Trung tâm thương mại để giải trí. Người dân bị kìm hãm lâu ngày như nén lò xo, được bật tung trở lại khiến lực cầu tăng mạnh, thị trường bán lẻ, dịch vụ có cơ hội bùng nổ. “Để nắm bắt cơ hội và chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa kinh doanh, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm bắt xu thế, áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ cả hình thức mua sắm online lẫn offline, qua đó đáp ứng hiệu quả nhu cầu trải nghiệm mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng” – ông Phú khuyến nghị.

Ngọc Hoàn