Ngân hàng và nỗi lo gánh nặng nợ xấu

Tỷ lệ thuận với mức độ tàn phá và diễn biến phức tạp của đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư, trong 7 tháng đầu năm 2021 số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt doanh nghiệp bỏ “cuộc chơi” cũng khiến các ngân hàng đứng ngồi không yên, lo sợ gánh nặng nợ xấu…

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm nay tại Tp.HCM có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 30% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2021.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 đến nay đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương; đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hơn 70% doanh nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số các doanh nghiệp khác đều bị sụt giảm doanh thu từ 50% đến 90% so với thời điểm trước dịch. Chưa kể một lượng lớn doanh nghiệp khác phải tạm ngừng hoạt động do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ) trong một thời gian quá ngắn (1 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND Thành phố. Theo Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng, do dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp nên chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu của đại dịch đến hoạt động của doanh nghiệp.

Không riêng Tp.HCM mà đây là tình hình chung tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long…; thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động đều tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ.

Theo báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 ngân hàng, tổng dư nợ xấu đến ngày 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước, lên 124.898 tỷ đồng. Trong đó Agribank dẫn đầu với khoản nợ xấu lên tới gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm trước. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống có khả năng sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/2/2021. Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01, dự kiến đến cuối năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ ở mức gần 5%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm nhiều ngân hàng đã đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200-300%. Trong đó Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất 352% (tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 352 đồng). VietinBank, Agribank, BIDV cũng đã đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên lần lượt là 129%, 131% và 131%.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đã đồng loạt kiến nghị cần sửa đổi Thông tư 03 càng sớm càng tốt để phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời mở đường cho ngân hàng rộng tay hơn với chính sách tái cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo phản ánh của lãnh đạo các ngân hàng thương mại, Thông tư 03 chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 30/6/2020 và chỉ được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2021. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh và các lệnh giãn cách nghiêm ngặt như hiện nay, từ nay đến cuối năm, khó có khả năng doanh nghiệp có thể trả được nợ nên nguy cơ chuyển nợ xấu rất cao. Nhiều ngân hàng thương mại ước tính nợ xấu sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng nếu Thông tư 03 không được sửa đổi, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng vọt lên trên mức 2% vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự định sửa Thông tư 03 theo hướng khách hàng sẽ được cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022.  Tuy nhiên lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng sự điều chỉnh này cũng chưa thể gỡ khó cho ngân hàng và doanh nghiệp. Cụ thể theo ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, dự thảo sửa đổi chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vay từ sau ngày 1/8 cũng rất khó khăn. Đó là chưa kể đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, chính vì vậy việc kéo dài đến ngày 30/6/2022 vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát, để có thể vực lại sản xuất, doanh nghiệp cũng phải mất ít nhất 1 năm, đó là chưa tính đến nguy cơ dịch bệnh hoàn toàn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào.

Để kìm hãm đà tăng của nợ xấu, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại cổ phần vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện tại. Mặc dù vậy, bóng đen nợ xấu vẫn đè nặng nhiều ngân hàng bởi ở thời điểm hiện tại, dù nhiều ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận rất lớn, từ 12-20% vốn điều lệ song trên thực tế đây chỉ là lợi nhuận có bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia thì đây là lợi nhuận dự tính thu được, không phải là tiền thật 100%. Khi hết các quy định về giãn, hoãn nợ, nợ xấu cũng sẽ tăng đột biến trên nội bảng, dẫn đến trích lập dự phòng cũng phải tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh.

Huy Anh