Ngân hàng thừa tiền nhưng thương nhân vẫn gặp khó thời Covid-19
Hiện lãi suất huy động đã tiệm cận mức thấp nhất lịch sử cộng với nguồn vốn dồi dào, ngay sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã đồng loạt giảm suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận được nguồn vốn, từ đó vượt qua khó khăn thời Covid-19 vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Sau nhiều đợt giảm lãi suất mạnh trong năm 2020, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các ngân hàng thương mại hiện nay phổ biến ở mức 5-6%/năm, 7-8%/năm trung dài hạn (trong 6 tháng hoặc một năm đầu). Đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, lãi vay ngắn hạn chỉ quanh mức 4,5%/năm.
Cùng với đó, mức lãi suất huy động ngắn hạn từ 6 tháng trở xuống hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử, đều dưới 4%/năm. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng quanh mức 5,5%/năm.
Đây là lý do mà ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tiếp tục giảm mạnh lãi vay. Cụ thể, từ cuối tháng 2, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố giảm lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 22/2 – 22/5. Được biết, đây là lần thứ 6 nhà băng này giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cũng giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. HCM (HDBank) công bố lãi suất thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, ân hạn vốn gốc 6 tháng.
Ngoài ra, HDBank còn dành mức lãi suất 4,5%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ không cần chứng minh bất kỳ khó khăn nào do dịch bệnh làm sụt giảm doanh thu, thu hẹp thị trường… Chương trình này kéo dài hết năm 2021.
Một ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất cực kỳ hấp dẫn.
VietinBank tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Đây là chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với quy mô vốn lớn nhất năm 2020 và 2021 dành cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ và chủ doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống hoặc sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi về vay vốn và dịch vụ tài chính dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trẻ.
Đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Với động thái trên, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng giảm lãi cho vay, hỗ trợ khách hàng, trong đó có các SMEs thời gian tới, qua đó giúp các doanh nghiệp có thêm sức đề kháng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo đà tăng tốc hoạt động kinh doanh cho cả năm 2021 được thuận lợi.
Làn sóng Covid-19 thứ 3 đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng loạt các SME trên cả nước. Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về tài chính và tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19. Qua đó, các doanh nghiệp đã giảm được chi phí sản xuất nhờ việc giảm chi phí vay vốn tín dụng, giảm bớt áp lực trả nợ vay nhờ việc cơ cấu lại nợ.
Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ thấp, nhưng trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các SME vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý là doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn còn phiền hà, phức tạp.
Điều này được TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội chia sẻ. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước, nên gặp khó với các khoản vay mới.
Chưa kể, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, doanh nghiệp vay vốn có thể được đối ứng 30-70 với ngân hàng, nghĩa là doanh nghiệp có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, thì hiện khoản đối ứng đã lên 50-50, thậm chí xuống 70-30.
Bên cạnh đó, sau một năm chống chọi với dịch bệnh, khả năng tài chính với nhiều doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Các doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô sản xuất song vẫn phải đối mặt với các chi phí: thuê mặt bằng, phân xưởng, kho bãi, trả lương nhân công, chi phí sản xuất… trong khi phải tìm kiếm thêm thị trường mới, đối tác mới…
Vì vậy, dù các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay xuống mức rất thấp nhưng độ hấp thu của doanh nghiệp rất khó khăn.
Vì vậy, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của các SME để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy SME mới tiếp cận được vốn.
Cùng chung nhận định, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, bài học từ Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, để có thể gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các SME, cần các giải pháp đồng bộ từ phía Chính phủ, cần thiết kế các sản phẩm cho vay phù hợp với các SME.
Theo đó, để cho vay một cách có hiệu quả, các NHTM cần hiểu rõ về khách hàng vay vốn, do đó cần xây dựng bộ phận chuyên trách nghiên cứu về nhóm khách hàng này, phân chia theo ngành nghề, địa bàn kinh doanh.
Bên cạnh các sản phẩm cho vay truyền thống, dựa trên cơ sở tài sản đảm bảo, các ngân hàng cần xem xét triển khai sản phẩm cho vay dựa trên dòng tiền, quyết định khoản vay dựa trên dòng tiền dự tính và giá trị sở hữu của công ty.
Có như vậy, các NHTM và SME mới đi chung trên một ‘con đường’, cùng cộng sinh để có thể phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay.
Anh Đức