Ngân hàng Thái Lan đứng đầu bảng xếp hạng nợ xấu ASEAN
Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (Fetco) cho biết ba ngân hàng hàng đầu của Thái Lan có tổng các khoản nợ xấu (NPL) lên tới hơn 9,6 tỷ USD, cao nhất ở Đông Nam Á, nhưng nhìn chung các ngân hàng Thái Lan vẫn có mức dự trữ nợ xấu cao. Fetco gần đây đã công bố báo cáo Tổng quan về thị trường vốn với tựa đề “Các khía cạnh về sự ổn định của ngành ngân hàng tại Asean”, tiết lộ thông tin về rủi ro nợ, tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực ngân hàng thương mại ở Thái Lan và các nước Asean khác.
Theo báo cáo, Singapore có tỷ trọng các khoản phải thu và tiền gửi của khách hàng (tổ chức phi tài chính) so với GDP cao nhất, lần lượt ở mức 228% và 287%. Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có tỷ lệ các khoản phải thu và tiền gửi tương đương so với GDP của quốc gia họ, trong khi Philippines có các con số này thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 56,4% và 85,4%.
Thái Lan có giá trị tiền gửi ngân hàng cao nhất trong số 6 quốc gia ASEAN nói trên với 55,4 tỷ USD, chiếm 17% GDP. Trong khi đó, tổng giá trị nợ xấu của ba ngân hàng hàng đầu Thái Lan đã vượt quá 9,6 tỷ USD, tương đương 1,69% tổng nợ trong nước, theo Fetco cho biết. Tại Philippines, tổng nợ xấu của ba ngân hàng hàng đầu là hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 1,23% tổng nợ, trong khi tổng nợ của ba ngân hàng lớn nhất Indonesia vượt quá 4,6 tỷ USD, chiếm 1,21% tổng nợ tại đây.
Báo cáo lưu ý: “Mức nợ xấu của các ngân hàng Thái Lan là 4% tổng nợ, nhưng mức dự phòng nợ xấu luôn ở mức cao”. Tỷ lệ tài khoản tiền gửi ngắn hạn (dưới một năm) ở Thái Lan có xu hướng tăng kể từ năm 2017. Singapore có rủi ro kinh tế thấp nhất, trong khi ngành ngân hàng của nước này có nhiều khoản cho vay và tiền gửi từ khách hàng nhất trong khu vực so với GDP. Malaysia có số lượng ngân hàng hoạt động tại Asean lớn nhất với 311 ngân hàng, trong khi Thái Lan có số lượng ngân hàng nhỏ nhất chỉ 58. Tiền gửi ngắn hạn ở Philippines chiếm khoảng 60% tài khoản ngân hàng của nước này, nhưng quốc gia này có tỷ lệ nợ thấp nhất trong số 6 nước Asean nói trên.
Triệu Minh