Ngân hàng nước ngoài thi nhau rút vốn khỏi Việt Nam
Báo cáo mới từ Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank) đã xác nhận việc đối tác chiến lược Société Générale Group (SocGen) của Pháp bán hết 20% cổ phần của họ sau 10 năm hợp tác. Cuộc “chia tay” này đã tiếp thêm một dấu mốc vào trào lưu thoái vốn của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Societe Generale được thành lập từ năm 1864, là ngân hàng lớn thứ 2 ở nước Pháp. Đây là một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn của châu Âu, có hoạt động trên khắp thế giới.
Trước Société Générale Group, hàng loạt ngân hàng nước ngoài đã lần lượt rút vốn
Năm 2008, Société Générale Group đầu tư và sở hữu 15% vốn của SeABank, sau đó tiếp tục mua thêm để đạt mức tối đa 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này. Sau 10 năm, Société Générale Group đã bán hết cổ phần của mình tại SeABank. Trước khi thoái vốn, cổ đông Pháp đã rút đại diện cuối cùng của mình khỏi Hội đồng quản trị của SeABank hồi giữa năm 2017.
Liên quan đến việc thoái vốn tại SeABank, đầu tháng 2/2018, một cổ đông lớn khác của ngân hàng này là Tổng công ty viễn thông Mobifone cũng đã bán thành công toàn bộ hơn 33,4 triệu cổ phần, tương đương 6,11% cổ phần. Sự kiện này không khỏi khiến giới tài chính ngân hàng nhớ lại hàng loạt vụ rút vốn trong những năm gần đây.
Đầu năm 2012, Ngân hàng ANZ (Úc) thông báo thoái toàn bộ 10% vốn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cùng hai nhóm cổ đông khác. Sau đó khoảng nửa năm, Sacombank bước vào giai đoạn sóng gió, ông Đặng Văn Thành rời chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Cuối năm 2013, OCBC (Tập đoàn ngân hàng nước ngoài Trung Quốc) thoái toàn bộ gần 15% vốn sở hữu tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sau hơn 7 năm đầu tư.
Tháng 9/2016, HSBC Việt Nam thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sau 12 năm hợp tác đầu tư.
Tháng 4/2017, ANZ đóng cửa, chuyển giao chi nhánh, sáu văn phòng giao dịch và 125.000 khách hàng cá nhân sang Ngân hàng Shinhan.
Tháng 7/2017, Commonwealth Bank of Australia (CBA), tổ chức đang nắm 20% cổ phần Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), đã chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh tại chi nhánh TP.HCM cho VIB.
Cuối năm 2017 – đầu năm 2018, hai ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) đã lần lượt đã bán hết 64,2 triệu cổ phiếu (tương đương 6,25% vốn) và 89,86 triệu cổ phiếu (chiếm 8,75% vốn) của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam về mặt tài sản.
Đầu năm 2018, BNP Paribas thoái toàn bộ gần 19% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chấm dứt liên minh 10 năm giữa hai bên.
Trước làn sóng thoái vốn ngân hàng, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, các nhà cho vay ngoại quốc đang có xu hướng hạn chế chia nhỏ vốn đầu tư, và thay vào đó là tập trung vào các thị trường nơi họ có lợi thế cạnh tranh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, T.S Nguyễn Trí Hiếu nói rằng: “Việc ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là ngân hàng phương Tây dần dần rút khỏi Việt Nam là một xu hướng đáng lo ngại”. Theo ông, hiện tượng thoái vốn cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại.
Ông này cũng nhấn mạnh, một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quản lý rủi ro kém trong khi quản trị doanh nghiệp còn hạn chế và rủi ro tài chính gia tăng là những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng có xu hướng gia tăng
Tính đến 9 tháng đầu năm 2018, có tới 23 ngân hàng sở hữu hơn 83.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 19% so với hồi đầu năm. Trong đó phải kể đến nợ xấu của các ngân hàng lớn như BIDV tăng gần 3.000 tỷ (tương đương 21%) lên 17.042 tỷ đồng; VietinBank tăng hơn 3.100 tỷ (tương đương 34,6%) lên 12.127 tỷ đồng; VPBank tăng hơn 3.200 tỷ (tương đương 51,7%) lên 9.401 tỷ đồng.
Nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 31% lên hơn 46.973 tỷ đồng ở 23 ngân hàng, chiếm đến 56% tổng nợ xấu (tỷ lệ này hồi đầu năm là 51%). Những ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng mạnh gồm có BIDV (tăng 47%), VietinBank (tăng 67,5%), VPBank (tăng 62%), Vietcombank (tăng 136%), ACB (tăng 62%), TPBank (tăng 46%), Saigonbank (tăng 39%).
Tỷ lệ nợ xấu cũng có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Khảo sát thấy có 18 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng so với đầu năm, mặc dù đa số vẫn đang giữ được dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm có thể kể đến Saigonbank, PGBank và VPBank.
Đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank đã lên tới 6,4%, tăng mạnh so với mức 3% hồi đầu năm. Tại PGBank, dư nợ tín dụng sụt giảm trong khi nợ xấu phát sinh thêm, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 3,23% lên 4,49%. Còn ở VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng hợp nhất tăng từ 3,39% hồi đầu năm lên 4,7%.
Nợ cũ chưa xử lý xong, nợ có vấn đề phát sinh thêm cũng vẫn luôn là nguy cơ đe dọa các ngân hàng. Các khoản nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam đã lên đến 600 nghìn tỷ đồng (26,6 tỷ USD), hầu hết không được khôi phục thông qua phá sản hoặc bán tài sản cố định. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng 12-18 tháng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” xuống “ổn định”.
Một yếu tố khác nữa có thể tác động đến việc rút vốn khỏi các ngân hàng chính là Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức có hiệu lực thi hành, cho phép phá sản các ngân hàng yếu kém từ ngày 15/1/2018. Trong khi đó, một điều không khỏi khiến giới tài chính quan ngại, chính là trong bối cảnh nợ công cao (lên đến 210%) và dự trữ ngoại tệ thấp (kho dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng hơn 50 tỷ USD), Việt Nam chịu hạn chế lớn về nguồn tài chính để giải cứu các ngân hàng bị phá sản cũng duy trì sự ổn định của hệ thống.
Cho tới nay, hiện tượng ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam vẫn là một nan đề chưa có lời giải, đây chỉ là một vài hiện tượng cục bộ hay sẽ trở thành xu hướng khó cứu vãn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động sắp tới?
Minh Vương