Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng nguồn vốn cho người dân sau bão lũ
Ngày 4/12 tại Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn vay, giúp cho người dân, doanh nghiệp, các hộ gia đình có vốn tái thiết sản xuất.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng cả nước đến 27/11 đạt 8,46%, trong khi đó tín dụng đến cuối tháng 10/2020 tại miền Trung chỉ tăng 5,2%, tại Tây Nguyên chỉ tăng 3,78%; tín dụng đối với một số lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn của cả 2 vùng tăng thấp, thậm chí còn giảm so với 2019.
Trong khi nền kinh tế nói chung vẫn còn đang đứng trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại tiếp tục phải gánh chịu thêm ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ lớn nhất trong nhiều năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên bị đình trệ, tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động ngành ngân hàng. Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh các tổ chức tín dụng (TCTD) tại miền Trung và Tây Nguyên, đến 30/11, tổng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ là khoảng 34.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ trên địa bàn, đối với 79.610 khách hàng.
Tại Hội nghị, đại diện các TCTD tiếp tục thảo luận về giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão lũ… Công tác hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại đã được các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực triển khai. Đến 30/11, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 262 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay cho dư nợ 31.958 tỷ đồng, cho vay mới 8.375 tỷ đồng; riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện thủ tục khoanh nợ 86 tỷ đồng, xóa nợ 470 triệu đồng.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh Quảng Nam, Quảng Bình, Kon Tum, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… đã báo cáo về công tác hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên địa bàn. Theo ông Phạm Trọng, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Nam, ngay sau bão lũ, NHNN tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số hộ vay vốn và người dân trên địa bàn đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bị thiệt hại do mưa bão gây ra rất nhiều, trong khi hạn mức vay chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trong việc khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết ngay sau cơn bão số 9, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực và vào cuộc tích cực để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. NHNN đã ban hành các công văn 7751/NHNN-TD ngày 23/10/2020 và 8247/NHNN-TD ngày 12/11/2020 chỉ đạo các TCTD khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau bão lũ; hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ.
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo kịp thời các TCTD tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, thực hiện công tác an sinh xã hội đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn về con người và tài sản, kho quỹ trong quá trình mưa lũ, thường xuyên cập nhật các thông tin để có giải pháp xử lý kịp thời.
Ông Đào Minh Tú đề nghị trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên thực hiện kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất và hoạt động ngân hàng của NHNN trên địa bàn; theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn để chỉ đạo và giám sát các TCTD khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam; phối hợp với sở, ban, ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ (nếu có), báo cáo UBND cấp tỉnh để thực hiện thủ tục xem xét, quyết định việc đề nghị khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và 116/2018/NĐ-CP.
Các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Văn bản số 7751/NHNN-TD ngày 23/10/2020 tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định khách hàng có dư nợ vay bị thiệt hại để hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng theo quy định; ưu tiên bảo đảm nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại vùng miền Trung và Tây Nguyên; chủ động phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở an toàn, ổn định vượt qua bão lũ.
Ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên, ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thế Phong