Ngân hàng không nên vì lợi nhuận khi doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 sáng nay (26/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả, nhiệm vụ mà ngành ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn 5 năm qua (2016-2020). Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cần phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, năm 2020, dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19, ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch bệnh. Ngành ngân hàng đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%.
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao việc cơ quan quản lý tiền tệ 3 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, với mức giảm 1,5-2%/năm, sâu nhất khu vực.
Thủ tướng cũng biểu dương nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc phối hợp cùng các bộ, ngành làm việc với các đối tác quốc tế để xử lý những vấn đề lớn đặt ra, không để tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam. Trong đó bao gồm đánh giá đa phương của đoàn đánh giá Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan nước này đối với Việt Nam…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng mức lãi suất cho vay giảm hiện nay vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là lãi suất của các khoản vay cũ, lãi vay trung dài hạn. Trong đó, nhiều ngân hàng thương mại vẫn có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.
Lãnh đạo đứng đầu Chính phủ cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguy cơ nợ xấu cũng gia tăng. Vì vậy, cùng với mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các ngân hàng cần có giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh.
Ngoài ra, vẫn còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của tổ chức tín dụng cần chấn chỉnh và xử lý, đặc biệt là các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 một cách hợp lý để đóng góp vào tăng trưởng chung, vì hiện nay, tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển.
Cùng với đó, cơ quan quản lý tiền tệ phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn hiện nay, hoạt động của ngành ngân hàng chưa nên vì mục tiêu lợi nhuận mà cần phải tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.
Lãnh đạo Chính phủ đặt ra câu hỏi năm nay ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với người dân, giảm lãi suất thế nào và cho vay các đối tượng ra sao chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu.
“Dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ phải vừa giảm thiểu nợ xấu phát sinh, vừa xử lý nợ tồn đọng nhưng vẫn đảm bảo hệ thống ngân hàng và từng ngân hàng ổn định. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hướng đến mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào top đầu các ngân hàng trong khu vực.
Cũng tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết để hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đã đặt ra và cố gắng hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trong tâm.
Cụ thể, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid 19; cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện qua việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát; hướng tới hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh, chỉ đạo các ngân hàng tăng cường tiềm lực tài chính, thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo Basel II.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng dự kiến tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán.
Thùy Linh