Ngăn chặn đại dịch toàn cầu cần sự liên kết toàn cầu mạnh mẽ
Là đại dịch toàn cầu, Covid-19 đe dọa sức khỏe, tính mạng, sự an nguy của toàn nhân loại cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Do đó để vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vừa bảo vệ nền kinh tế đòi hỏi sự chung tay của toàn nhân loại, sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia tạo nên phản ứng toàn cầu mạnh mẽ…
Cụ thể Tổ chức Truyền thông Quốc tế Project Syndicate cho rằng đại dịch Covid-19 dù gây hậu quả khôn lường như thế nào đều có thể khắc chế nếu chúng ta có các nguyên tắc hướng dẫn hành động cụ thể. Theo đó Project Syndicate khuyến nghị để ngăn chặn đại dịch và giải cứu các nền kinh tế của thế giới, chúng ta phải tuân thủ nghiêm 5 nguyên tắc vàng:
Nguyên tắc thứ nhất: phải dành ưu tiên hàng đầu cho bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người. Điều này chắc chắn sẽ làm suy giảm hoạt động kinh tế song “còn người là còn tất cả”, chúng ta càng sớm thực hiện đầy đủ các biện pháp thì càng sớm có khả năng khôi phục nền kinh tế. Để làm được điều này, chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến nguồn cung hàng hóa, lương thực và dịch vụ thiết yếu; hỗ trợ các đơn vị y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay các thiết bị y tế (mặt nạ phòng độc, máy thông gió, oxy, khẩu trang…) đang bị thiếu hụt trầm trọng đòi hỏi chúng ta phải tìm cách khắc phục, tìm nguồn cung lâu bền nếu không muốn dẫn đến những mất mát lớn hơn về cuộc sống lẫn ổn định xã hội.
Nguyên tắc thứ hai: bên cạnh bảo vệ những người đang hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cũng cần phải bảo vệ cả những người đang rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất nguồn thu nhập. Theo công bố gần đây của Hoa Kỳ, trong 2 tuần qua số người nộp đơn xin bảo hiểm thất nghiệp đã tăng mạnh. Ở nhiều quốc gia, phần lớn người dân làm việc trong khu vực phi chính thức nên không được bảo hiểm thất nghiệp. Với các đối tượng này, nhu cầu bảo vệ thậm chí còn lớn hơn.
Đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đòi hỏi một chiến lược 3 chiều: Chính phủ phải có gói trợ cấp đủ lớn để duy trì cuộc sống cho tất cả các hộ gia đình đang gặp khó khăn; gia hạn bảo hiểm thất nghiệp để những người lao động bị sa thải không rơi vào tình trạng tuyệt vọng trước khi đại dịch kết thúc; phải bảo vệ việc làm hiện tại bằng cách trợ cấp cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Nguyên tắc thứ ba: phải bảo toàn vốn con người trong các doanh nghiệp. Con người được xem là vốn quý của doanh nghiệp, có nguồn lực con người mới có thể giúp doanh nghiệp vực dậy và khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất sau đại dịch.
Nguyên tắc thứ tư: các kết quả nghiên cứu đạt được trong giải quyết đại dịch Covid-19 nên được chia sẻ toàn cầu. Covid-19 đang đe dọa toàn nhân loại, vì vậy toàn nhân loại phải đấu tranh chống lại dịch bệnh này. Đó là lý do các kết quả nghiên cứu đạt được trong giải quyết dịch Covid-19 phải được cung cấp trên toàn cầu với giá cả phải chăng. Giữ kiến thức có giá trị cho riêng mình trong khi vô số sinh mạng bị đe dọa không chỉ là một tội ác không thể tha thứ mà còn là một hành động phản tác dụng vì tất cả chúng ta đều được kết nối thông qua nền kinh tế toàn cầu. Chỉ cần virut còn tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào thì dịch vẫn còn khả năng bùng phát trở lại trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên tắc thứ năm: phải suy nghĩ sáng tạo và táo bạo. Để cung cấp thanh khoản ở cấp độ toàn cầu, chúng ta phải vận dụng toàn bộ công cụ chính sách kinh tế hiện có cũng như thử nghiệm các công cụ mới. Đơn cử các giao dịch hoán đổi tiền tệ song phương giữa các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế tiên tiến phải được mở rộng; hay quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ tiền tệ quốc tế cần được mở rộng để đáp ứng thách thức hiện nay – như đề xuất của bà Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về Covid-19 vừa mới diễn ra.
Trân Nguyễn