Nga dừng bán dầu sẽ đẩy giá dầu toàn cầu đạt đỉnh 380 USD/thùng

Đây là cảnh báo được các nhà phân tích thuộc JPMorgan đưa ra đặt trong bối cảnh các nước G7 đang nỗ lực tìm kiếm một cơ chế phức tạp để áp giá trần lên dầu Nga, tiến tới khóa chặt nguồn thu của xứ sở Bạch Dương.

Bể chứa tại trạm bơm dầu Kaleikino của vùng Transneft Kama Nga, ngày 27/4. Ảnh: Reuters

Cụ thể các nhà phân tích thuộc JPMorgan cho rằng với nền tảng tài chính vững vàng, Moskva hoàn toàn có đủ khả năng cắt giảm sản lượng dầu thô đang cung ứng (5 triệu thùng/ngày) mà không gây tổn hại quá mức đến nền kinh tế.

Ngược lại nếu Nga dừng bán dầu, các nước trên thế giới sẽ phải gánh chịu hệ quả tàn khốc. Cụ thể hơn, chỉ cần Nga cắt giảm 3 triệu thùng dầu/ngày sẽ đẩy giá dầu Brent tăng lên 190 USD/thùng. Đặt trong trường hợp xấu nhất, nếu Nga dừng hẳn việc cung ứng 5 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày có thể đẩy giá dầu toàn cầu đạt đỉnh 380 USD/thùng

Các nhà phân tích JPMorgan cảnh báo nếu các nước G7 áp giá trần lên dầu Nga, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có thể chọn cách trả đũa phương Tây bằng việc cắt giảm sản lượng xuất khẩu. Nói cách khác, sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu hoàn toàn phụ thuộc vào phía Nga.

Bất chấp áp lực đòi tăng mạnh sản lượng để hạ nhiệt giá dầu từ các nước phương Tây, đến nay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn kiên định với chiến lược tăng đều đặn sản lượng dầu của mình. Trong cuộc họp mới đây vào ngày 30/6, OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng dầu vào tháng 8 thêm 648.000 thùng/ngày mà không thảo luận về mức tăng trong tháng 9. Các chuyên gia nhận định bước đi này của OPEC+ nhằm giữ giá dầu ở mức cao và tiếp tục hưởng lợi.

Giá dầu thế giới đã tăng vọt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ ngày 24/2/2022. Đến đầu tháng 6/2022, giá dầu toàn cầu mới bắt đầu giảm từ 123 USD/thùng xuống dưới 112 USD/thùng do lo ngại suy thoái xuất hiện.

Có thể thấy nền kinh tế thế giới co lại khiến nhu cầu về nhiên liệu trên toàn cầu cũng giảm theo. Tuy nhiên xét trong trung hạn, tác động từ một số yếu tố có thể đẩy giá dầu cao hơn. Đơn cử nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu Nga của các nước châu Âu vô hình chung đã làm gia tăng sự cạnh tranh với các nguồn cung thay thế. Chưa kể OPEC + có khả năng chỉ đạt được một nửa mục tiêu là tăng sản lượng trong tháng 8 khi công suất dự phòng giảm dần.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết hiện nhiều nước trong OPEC + đang rất chật vật để sản xuất đủ định mức mà tổ chức quy định. Nigeria và Angola là hai nước từ lâu không sản xuất đủ dầu theo mức đặt ra. Điều này đồng nghĩa với giá dầu sẽ tăng do cầu tiếp tục vượt cung. Dự báo đến tháng 9/2022, giá dầu toàn cầu sẽ đạt ngưỡng 130 USD/thùng.

Triển vọng giá dầu còn phụ thuộc vào chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Saudi Arabia và tham dự Hội nghị thượng đỉnh của các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Iraq, Jordan (gọi tắt GCC + 3) từ ngày 13-16/7/2022. Tuy nhiên người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông không có ý định yêu cầu Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman tăng sản lượng dầu bởi trách nhiệm hạ nhiệt giá dầu thuộc về tập thể các quốc gia vùng Vịnh.

Triệu Duy