New York trở thành tâm điểm mới của đại dịch với hơn 15.000 ca nhiễm
Ngày 22/3, gần 3 tuần sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19, căn bệnh do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây nên, New York đã bước qua cột mốc khiến nước Mỹ lo ngại: Thành phố và khu vực lân cận New York đang chiếm gần 5% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Giới chức địa phương hối hả tiến hành những biện pháp chặn dịch mạnh tay.
Thống đốc Andrew M. Cuomo đang có những bước đi quyết liệt chưa từng có tiền lệ. Ông kêu gọi chính phủ liên bang quốc hữu hóa nguồn cung trang thiết bị y tế vì khu vực tư nhân đang đẩy các bang vào cảnh cạnh tranh lẫn nhau.
Ông Cuomo đồng thời yêu cầu chính quyền thành phố New York truy tìm những nơi tụ tập đông người để giải tán. Ông cân nhắc phương án chặn giao thông một số tuyến đường, giúp người đi bộ có thêm không gian để giữ khoảng cách an toàn với nhau.
Chưa từng có tiền lệ
Thống đốc Cuomo ngày 22/3 thông báo nhiều bước chuẩn bị đón cơn sóng bệnh nhân Covid-19 ập đến trong những ngày sắp tới.
New York đã cho thiết lập bệnh viện dã chiến tại ba khu vực ngoại ô thành phố. Lều y tế được dựng ngay giữa Trung tâm triển lãm Jacob Javits ở phía tây Manhattan.
Các bệnh viện khắp bang New York đang ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 tăng vọt, trong khi trang thiết bị y tế thiết yếu như máy trợ thở và khẩu trang không đủ dùng. Chính sách xét nghiệm quyết liệt dần làm sáng tỏ thực tế cuộc chiến với virus corona ở New York: Virus đã đạt đến lây nhiễm cộng đồng.
Tính đến ngày 22/3, hơn 15.000 người tại bang xét nghiệm dương tính với virus corona, phần lớn sống trong khu vực thành phố New York, chiếm gần 50% tổng số ca nhiễm trên toàn quốc.
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên đến 117 người, chiếm gần 25% số ca tại Mỹ. Cứ 8 bệnh nhân ở New York thì có 1 người phải nhập viện vì bệnh nặng. Số ca tử vong ở New York tăng vọt chỉ trong một ngày. Ông Cuomo cho biết phần lớn bệnh nhân qua đời đều trên 70 tuổi, nhóm tuổi chịu rủi ro cao nhất trước chủng virus này.
Cuối tuần vừa qua, những con phố thương mại và tài chính của thành phố trở nên vắng lặng. Theo sắc lệnh mới nhất của Thống đốc Cuomo, mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải tạm ngừng hoạt động kể từ 20h ngày 22/3.
Người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ ra đường vì những việc cần kíp như mua thực phẩm, thuốc men hoặc tập thể dục nâng cao sức khỏe trong thời gian ngắn.
Đời sống xã hội và kinh tế sôi động của thành phố phải “đặt ở chế độ tạm dừng”, chỉ trừ các hiệu tạp hóa, sửa chữa xe cộ và hàng ăn giao tận nhà. Nhiều người bị sa thải. Người tiêu dùng đổ xô mua nhu yếu phẩm và lương thực tích trữ trước hạn chót.
Cả Thống đốc Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio đều nhiều lần nhấn mạnh thành phố New York sẽ không bị phong tỏa. Các hệ thống giao thông công cộng, gồm tàu điện ngầm và đường sắt đô thị, đều tiếp tục hoạt động với lịch trình hạn chế.
“Sẽ không có hỗn loạn. Sẽ không có tình trạng vô chính phủ”, ông Cuomo khẳng định với người dân thành phố, nhưng đồng thời cảnh báo biện pháp hạn chế có thể kéo dài trong nhiều tháng.
“Về thời hạn, không ai có thể nói trước được. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta giải quyết tình hình. Tuy nhiên, khoảng 40-80% dân số có thể nhiễm virus. Chúng tôi đang cố gắng giảm tốc độ lây lan, nhưng dịch bệnh sẽ lan rộng”.
“Chúng ta luôn vượt qua thử thách. Đây chính là giai đoạn thử thách cho thế hệ này”, Thống đốc Cuomo nhấn mạnh.
“Điều tồi tệ nhất vẫn còn phía trước”
Mỗi quận của New York đều ghi nhận hàng trăm ca nhiễm. Thị trưởng De Blasio cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức trong giai đoạn tiếp theo.
“Chúng ta đang ở New York, tâm điểm của cuộc khủng hoảng tại Mỹ. Tôi không vui vẻ gì khi thông báo điều đó. Các bạn cũng chả vui gì khi nghe nó. Điều tồi tệ nhất vẫn còn phía trước. Tháng 4 còn tệ hơn tháng 3. Tôi sợ rằng tháng 5 thậm chí sẽ còn tệ hơn tháng 4”, ông cảnh báo ngày 22/3.
Cùng ngày, thành phố New York công bố số liệu mới về tình hình dịch bệnh. Khoảng 1.800 người đã nhập viện vì Covid-19, trong đó 450 bệnh nhân cần được hồi sức tích cực. Thành phố ghi nhận đến 10.764 ca nhiễm, với Brooklyn và Queens mỗi nơi ghi nhận hơn 3.000 bệnh nhân. Riêng ở New York, ít nhất 99 trường hợp tử vong đã được xác nhận dương tính với virus.
Thị trưởng De Blasio thời gian qua nhiều lần công kích những biện pháp ứng phó của chính quyền liên bang. Ông cho biết đã trao đổi với Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence vào đêm 22/3. Theo lời vị thị trưởng, hai nhân vật đứng đầu đất nước đã dần nhận thức tính cấp bách của tình hình.
“Tôi muốn nhìn thấy sự giúp đỡ được triển khai gấp rút”, Thị trưởng De Blasio nói các bệnh viện công của thành phố “chỉ thêm 10 ngày nữa là hết vật tư cơ bản”.
Giữa tình cảnh ngặt nghèo đó, những bệnh viện của New York lại sắp phải đối diện thêm một làn sóng bệnh nhân Covid-19. Số ca nhiễm được tiếp nhận đang tăng rõ rệt tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian. Riêng trong sáng 22/3, hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nhập viện. NewYork-Presbyterian phải thực hiện nhiều biện pháp để ngăn nguy cơ virus lây lan nội bộ, điển hình là người thân không được vào phòng sinh tại khoa sản của bệnh viện.
Chính quyền bang đang gấp rút chuyển đổi chức năng của nhiều cơ sở chăm sóc y tế. Nhà dưỡng lão được tái quy hoạch làm bệnh viện dã chiến. Trung tâm triển lãm Jacob Javits được Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và Binh đoàn Công binh Lục quân Mỹ lên kế hoạch điều chỉnh thành trung tâm y tế tạm thời.
Gần 2.000 giường bệnh đã được chuyển vào Jacob Javits. Một phần trong số này được giao cho nhân sự liên bang quản lý. Thống đốc Cuomo tiếp tục kêu gọi chính phủ liên bang viện trợ thêm vật tư và nhân sự. Ông nhấn mạnh các bang đang phải cạnh tranh lẫn nhau để đảm bảo nguồn cung trang thiết bị thiết yếu, đẩy giá thành những vật dụng cơ bản như khẩu trang y tế tăng cao đến vô lý.
Người đứng đầu bang New York đề nghị Tổng thống Trump tận dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, cho phép chuyển đổi chức năng các nhà máy trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu khống chế dịch bệnh.
Kim Thịnh