Nếu vỡ nợ, Chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ như thế nào?
Cuộc chiến nâng trần nợ công tại Washington đang trong giai đoạn căng thẳng nhất. Câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là nếu vỡ nợ, Chính phủ Mỹ sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ ra sao?
Trước đó hồi tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra trên thị trường tài chính nếu trần nợ công không được nâng lên vào đầu tháng 6 tới. Mặc dù đã chạm trần nợ công từ tháng 1 song trong vài tháng qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chưa thống nhất được về trần nợ mới.
Trong khi đại diện Ngân hàng Goldman Sachs dự báo thỏa thuận nâng trần nợ công có thể đạt được trước hoặc sau hạn chót một ngày thì đại diện Ngân hàng Morgan Stanley lại đưa ra dự báo thỏa thuận sẽ đạt được sau thời hạn quy định. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Jamie Dimon – CEO JPMorgan Chase cho biết ngân hàng này đã lập ra một Phòng chiến lược đề phòng mọi sự cố bất ngờ có thể xảy ra
Cũng như những người tiền nhiệm, bà Yellen hầu như rất ít đề cập đến việc Bộ Tài chính sẽ hành động như thế nào trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội không thể nâng trần nợ công kịp thời. Dù vậy trong tuần qua người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cũng đã lên tiếng thừa nhận cơ quan này đã vạch ra những hướng đi chiến lược phòng lúc các nghị sĩ không thể hành động kịp thời. “Nếu Quốc hội không nâng trần nợ, Tổng thống sẽ phải ra một số quyết định về việc chúng tôi có thể làm gì với tài nguyên hiện tại”, bà cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 8/5.
Không như các nước phát triển khác, Mỹ áp giới hạn nghiêm ngặt về số tiền chính phủ có thể đi vay vì chính phủ chi nhiều hơn thu. Nếu không nâng trần nợ, Chính phủ Mỹ có thể vẫn thực hiện các khoản thanh toán như bình thường bằng cách viện dẫn Tu chính án 14 theo Hiến pháp. Tuy nhiên việc này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý tại Washington. Nếu bỏ qua lựa chọn này, Bộ Tài chính có thể cân nhắc một biện pháp khác là ưu tiên dùng tiền mặt và nguồn thu họ có để trả nợ cho chính phủ.
Trái phiếu chính phủ Mỹ hiện là thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới, được coi là tham chiếu cho lãi suất cho vay toàn cầu. Nếu Mỹ lỡ hạn thanh toán, các nhà kinh tế và nhà đầu tư sẽ coi đây là một cú sốc, có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính. Đây là rủi ro mà không quan chức nào dám mạo hiểm. “Không ai chiến thắng trong tình hình này đâu. Nhưng để làm điều ít gây thiệt hại nhất trong dài hạn, anh phải duy trì trả nợ trái phiếu”, Stephen Myrow – cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Kể từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã thực hiện gần 80 lần nâng trần nợ, trong đó phần lớn đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên những năm gần đây, cuộc đàm phán nâng trần nợ đã trở thành một cuộc chiến thực sự tại Quốc hội Mỹ.
Bước ngoặt đáng chú ý hơn cả là cuộc chiến nâng trần nợ năm 2011 – khi một số nhà lập pháp dường như đã sẵn sàng cho khả năng Chính phủ sẽ vỡ nợ. Năm đó, Quốc hội Mỹ đã đạt thỏa thuận nâng trần nợ chỉ 2 ngày trước thời hạn mà Bộ Tài chính Mỹ ước tính ngân sách sẽ cạn kiệt. 2011 cũng là năm đầu tiên và duy nhất Mỹ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm. Năm 2013, cuộc chiến trần nợ công thậm chí còn khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Hôm 11/5, khi được hỏi về kế hoạch dự phòng, Bộ Tài chính Mỹ chỉ nhắc lại bài phát biểu mới nhất của bà Yellen về trần nợ công. Khi đó trong chuyến thăm Nhật Bản, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định nhiệm vụ cấp bách nhất hiện này là thúc giục Quốc hội Mỹ hành động càng sớm càng tốt.
Trên Bloomberg, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng nhấn mạnh: “Điều tôi muốn nói là, những ai nghĩ rằng Mỹ có thể tránh kịch bản vỡ nợ mà không cần Quốc hội nâng trần thì họ đã sai lầm”.
Đặt trong trường hợp Bộ Tài chính Mỹ vẫn thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn, chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó sẽ phải quyết định xem cơ quan này có phải tiếp tục chi trả các khoản khác hay không, đơn cử như an sinh xã hội, quốc phòng hay lương công chức.
Trước đó vào tháng 2, bà Yellen cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng Chính phủ liên bang khó có thể chi trả các khoản thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao tuổi vốn sống dựa vào trợ cấp an sinh xã hội.
Song không phải ai cũng cho rằng điều đó sẽ thành sự thật. Một cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cho biết khi đối mặt với tình huống xấu nhất, chí ít Bộ Tài chính Mỹ vẫn sẽ ưu tiên chi trả cho những người sống dựa vào trợ cấp an sinh xã hội. Dù vậy quá trình thực hiện có thể sẽ khó khăn.
Như chúng ta đã biết, các khoản thanh toán trái phiếu của Mỹ đều được xử lý thông qua Fedwire – một hệ thống hoàn toàn khác so với hệ thống dùng để trả các phúc lợi và thanh toán cho nhà thầu, vì vậy việc tách riêng để trả khoản này có thể dễ hơn. Tuy nhiên hệ thống thanh toán sẽ gặp khó khăn với các khoản còn lại.
Theo ước tính của Wendy Edelberg – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, nếu Bộ Tài chính Mỹ quyết định tiếp tục trả lãi thì họ sẽ phải cắt giảm khoảng 25% các khoản chi phí khác và con số này sẽ tăng lên 30% nếu chi trả thêm chi phí an sinh xã hội. Ngoài vấn đề logistics, Bộ Tài chính cũng sẽ gặp rắc rối nếu không thông qua hiến pháp mà đơn phương lựa chọn khoản nào cần thanh toán, khoản nào phải hoãn lại.
Còn theo Alec Phillips – Kinh tế trưởng tại Goldman, đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi mỗi tháng Mỹ phải thanh toán 4 lần các khoản an sinh xã hội, mỗi lần 25 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với dù hạn chót nâng trần nợ công là ngày nào thì sau đó Bộ Tài chính Mỹ cũng chỉ có vài ngày ít ỏi để chuẩn bị tiền cho khoản chi trả này.
Việt Vương