Nền kinh tế toàn cầu có khả năng hồi phục khi Mỹ – Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Ngày 9/1, Trung Quốc đã xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) sẽ tới Washington vào tuần tới để ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ, một bước đi hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại gây thiệt hại cho cả hai nước. Động thái này cũng chính là cam kết của Bắc Kinh về một lễ ký kết mà Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đó.

 

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung sẽ không tác động nhiều đến tình hình kinh tế thế giới.

Các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng rằng, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ đánh dấu bước “tạm dừng” trong cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và giúp thị trường phục hồi. Song, WorldBank lại cho rằng, thỏa thuận này sẽ không tác động nhiều đến tình hình kinh tế thế giới.

Trong một báo cáo mới đây, WB dự đoán rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với lời hứa sẽ đưa tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ lên 3% của Tổng thống Trump. Nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng dưới 6% vào năm 2020, mức thấp trong 30 năm qua. Trên toàn cầu, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2020 và tăng tốc lên 2,7% vào năm 2022.

Một số tổ chức quốc tế khác đang đưa ra những dự đoán lạc quan hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng, nền kinh tế thế giới sẽ tăng 3,4% vào năm 2020. Nhưng WB biện minh cho dự báo thận trọng của mình rằng, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ không loại bỏ các vấn đề cơ bản hiện có, đặc biệt là trong nền kinh tế của các nước đang phát triển.

Theo WB, các nước phát triển đang phải đối mặt với rủi ro kinh tế và thách thức lớn nhất đối với tất cả các quốc gia là thuế quan tăng dẫn đến chi phí thương mại tăng và sự không chắc chắn trong quan hệ kinh tế giữa các nhà đầu tư. Thêm vào đó, cần lưu ý rằng, không phải tất cả các vấn đề trong nền kinh tế và thương mại thế giới đều liên quan riêng đến quan hệ Mỹ – Trung. Nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang trải qua thời kỳ tồi tệ. Đó là một trong những lý do có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Trung Quốc Chen Fengying, Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc chỉ ra rằng, nền kinh tế thế giới hiện đang ở “ngã ba đường” và một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không giải quyết được toàn bộ những vấn đề đó. Chuyên gia Chen Fengying cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ có thể mang lại niềm tin cho cộng đồng thế giới.

“Tuy nhiên, nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, bao gồm cả phản ứng tích cực của thị trường thì chúng ta có thể mong chờ một thỏa thuận toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai. Một thỏa thuận tạm thời vẫn tốt hơn so với không có thỏa thuận nào cả”, ông Chen Fengying nói.

Trên thực tế, Mỹ đã chứng minh chủ nghĩa đơn phương bằng cách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và “châm ngòi” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc ban đầu tuyên bố phản đối chiến tranh thương mại nhưng buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Washington dường như đã nhận ra sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận thương mại. Bởi theo báo cáo gần đây của WB, trở ngại chính ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ là thuế quan và bảo hộ thương mại.

Huy Hoàng