Nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt mốc 30 tỷ USD vào năm 2025
Việt Nam hiện đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Đây là dự báo được đưa ra bởi Google, Temasek và Bain & Co cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế Internet.
Covid-19 đã làm khó một số lĩnh vực như dịch vụ gọi xe, du lịch trực tuyến và cho vay. Không có gì ngạc nhiên khi du lịch trực tuyến bị ảnh hưởng nặng nề nhất và giảm 58,8% xuống còn 14 tỷ USD GMV trong năm 2020.
Giao thông vận tải cũng chứng kiến mức sụt giảm GMV xuống còn 5 triệu USD, từ 8 triệu USD một năm trước đó, do sự đi lại trong đô thị giảm tới 80% vào cao điểm giãn cách xã hội, báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo, “ngay cả khi việc giãn cách được nới lỏng, việc quen làm việc tại nhà và sự sụt giảm niềm tin đối với phương tiện giao thông chia sẻ đã tác động làm giảm GMV của ngành giao thông nửa đầu năm 2021.Nhưng về lâu dài, ngành giao thông vận tải sẽ phục hồi và trở lại mức bình thường”. Dự kiến, lĩnh vực này sẽ tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2025.
Cơ hội cho Việt Nam
Việt Nam hiện đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.
Mặc dù lợi nhuận của các lĩnh vực như du lịch và vận tải bị sụt giảm thì một số lĩnh vực khác lại được bù đắp. Báo cáo lưu ý rằng các lĩnh vực như thương mại điện tử (TMĐT), thanh toán, kiều hối và phương tiện truyền thông trực tuyến đều có mức tăng trưởng “thần tốc” trong năm nay.
Những năm gần đây, Việt Nam đang nuôi tham vọng lớn về việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu trung bình giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 15%/năm; tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng bình quân số lao động 2021-2030 đạt 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mục tiêu đến năm 2025, có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Con số vào năm 2030 là 20 doanh nghiệp.
Khắc phục những hạn chế
Theo các chuyên gia, mục tiêu đặt ra chỉ là những bước đi ban đầu và kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại. Chẳng hạn như hạ tầng viễn thông là mặt mạnh của Việt Nam nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tốc độ truyền tải Internet còn chậm. Việc ứng dụng các công nghệ số trong các ngành công nghiệp hiện tại là khá thấp. Mức độ quan tâm lớn tới những lĩnh vực công nghệ tự động hóa chỉ 29% số doanh nghiệp được khảo sát và chỉ khoảng 7% đánh giá cao vai trò của công nghệ mô phỏng và 6% thấy được tầm quan trọng của dữ liệu lớn.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn thiếu vốn, thông tin, kỹ năng về sử dụng công nghệ và dịch vụ số mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp có ý định đầu tư vào số hóa do lo sợ rủi ro. Khoảng trên 30% lãnh đạo của họ có hiểu biết và nhận thức đầy đủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng. Nhiều lĩnh vực chuyển đổi số chỉ mới ở bước thử nghiệm ban đầu chưa phổ biến.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam vẫn còn thiếu nhóm nhân lực tinh hoa có năng lực trình độ cao để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Theo dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học về dữ liệu, và khoảng một triệu nhân lực trong CNTT&TT.
Chất lượng nguồn nhân lực kém là do có sự khập khiễng giữa chương trình giảng dạy và yêu cầu kỹ năng công việc trên thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng sáng tạo còn kém.
Duy Anh