Năng lượng sạch ở Việt Nam tăng vượt mức hơn 2%

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt mục tiêu năm 2020 nguồn điện quốc gia cung cấp bằng năng lượng tái tạo đạt 7% nhưng năm 2019 đã đạt 9%. Thông tin được ông Lê Hải Đăng, Đại diện Ban chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại lễ khai mạc Tuần lễ Năng lượng Việt Nam 2019 tổ chức sáng 17/9 tại Hà Nội.

Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh,Việt Nam đặt mục tiêu tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp từ năng lượng tái tạo năm 2020 đạt 7% và tăng lên 10% năm 2030. Tuy nhiên tới tháng 7/2019 điện mặt trời đạt công suất 4.543 MW và điện gió 626,8 MW (chiếm 9% tổng nguồn điện và vượt hơn 2%, sớm hơn so với kế hoạch).

Theo ông Đăng, năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống điện quốc gia dẫn tới sự dịch chuyển lớn. Hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ chiếm khoảng 56% sản lượng điện cả nước. “Năng lượng tái tạo trong 2 quý đầu năm 2019 với mức  đóng góp vào hệ thống điện quốc gia đạt 9% là dấu hiệu đáng mừng để kỳ vọng trong tương lai”, ông Đăng nói.

Hiện nguồn năng lượng sản xuất điện của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào phần lớn 3 nhà máy thuỷ điện, nhưng đang có nhiều khó khăn do nước trên hệ thống sông Đà đã khai thác đến 90%. Nguồn điện hiện đang trông chờ vào các nhà máy nhiệt điện than để bù lại, dù gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Là địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng điện gió, ông Nguyễn Văn Nguyên, phó Chánh văn phòng tỉnh uỷ Bạc Liêu cho biết, tỉnh cũng đã đề xuất rút nhiệt điện ra khỏi quy hoạch để tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Với 40.000 km2 bãi bồi, tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Việc phát triển vùng kinh tế tại điểm khai thác điện gió cũng góp phần phát triển kinh tế ven biển.

Khi các nhà máy thuỷ điện khai thác gần 90% giá trị, nhiệt điện tuy đóng góp 1/2 sản lượng điện nhưng lại khiến môi trường bị ô nhiễm, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường đồng phát triển kinh tế được giới chuyên môn cho là lựa chọn khả quan.

Mặc dù vậy vốn đầu tư ban đầu đang là thách thức. Ông Nguyên cho biết, tỉnh uỷ Bạc Liêu đã bắt đầu nghiên cứu, nhưng do nguồn vốn quá lớn (4 tỷ USD) nên đây vẫn là vấn đề còn cần bàn bạc. “Vốn lớn đang khiến việc thu xếp vốn của nhà đầu tư khó khăn”, ông Nguyên nói.

Ông Đăng cũng chỉ thêm nhiều khó khăn khi phát triển điện gió, điện mặt trời ở góc độ kỹ thuật do phải điều chỉnh tần số hệ thống điện cả nước, tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trong khi chất lượng điện năng từ năng lượng tái tạo chưa tốt, giá thành của điện tái tạo còn cao hơn so với điện truyền thống.

Anh Dũng