Myanmar chứng kiến bạo loạn biểu tình đẫm máu sau cuộc đảo chính
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết cảnh sát Myanmar đã nổ súng vào những người biểu tình trên khắp đất nước hôm Chủ nhật trong ngày bạo lực đẫm máu nhất trong các tuần biểu tình chống lại một cuộc đảo chính quân sự và ít nhất 18 người đã thiệt mạng.
Cảnh sát đã có mặt sớm và nổ súng ở các khu vực khác nhau của thành phố Yangon sau khi lựu đạn, hơi cay và súng chỉ thiên không giải tán được đám đông. Binh lính cũng được tăng cường cùng cảnh sát.
Một số người bị thương đã được những người biểu tình kéo đi, để lại những vết bẩn đẫm máu trên vỉa hè, theo hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cho thấy. Một người đàn ông đã chết sau khi được đưa đến bệnh viện với một viên đạn vào ngực, theo một bác sĩ yêu cầu giấu tên cho biết.
Theo thông tin đáng tin cậy mà Văn phòng Nhân quyền LHQ nhận được, “Lực lượng cảnh sát và quân đội đã đối đầu với các cuộc biểu tình ôn hòa, sử dụng vũ lực sát thương và ít sát thương, khiến ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương”.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội giành chính quyền và bắt giữ lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi và phần lớn lãnh đạo đảng của bà vào ngày 1 tháng 2, với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng của bà đã giành chiến thắng lớn.
Cuộc đảo chính đã kích động hàng trăm nghìn người xuống đường và bị các nước phương Tây lên án. Cảnh sát và người phát ngôn của hội đồng quân sự cầm quyền đã không trả lời các cuộc điện thoại tìm kiếm bình luận.
Lãnh đạo quân đội, Tướng Min Aung Hlaing cho biết tuần trước chính quyền đã sử dụng vũ lực tối thiểu để đối phó với các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, ít nhất 21 người biểu tình đã chết trong tình trạng hỗn loạn. Quân đội cho biết một cảnh sát đã thiệt mạng.
Cuộc đàn áp dường như thể hiện quyết tâm của quân đội trong việc áp đặt quyền lực của mình khi đối mặt với sự thách thức, không chỉ trên đường phố mà rộng hơn là trong các cơ quan dân sự, chính quyền thành phố, tư pháp, giáo dục và y tế và truyền thông. Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính và một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế, các tướng lĩnh vẫn bất chấp các áp lực ngoại giao. Họ đã hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng không ấn định ngày. Đảng của bà Suu Kyi và những người ủng hộ cho biết kết quả của cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 phải được tôn trọng. Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người đã bị quản thúc gần 15 năm, phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu trái phép 6 bộ đàm và vi phạm luật thiên tai do vi phạm các biện pháp giãn cách COVID-19 . Phiên điều trần tiếp theo về vụ việc của bà diễn ra vào thứ Hai.
Bảo Quang