Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào một ‘cuộc chiến tranh lạnh mới’
Một nhà phân tích về Trung Quốc từ Fitch Solutions cho rằng Mỹ và Trung Quốc có “những giá trị hoàn toàn trái ngược nhau” và cuối cùng sẽ rơi vào một “cuộc chiến tranh lạnh mới” trong những thập kỷ tới.
Chuyên gia Darren Tay của Fitch Solutions nói: “Về thuật ngữ ‘một cuộc chiến tranh lạnh mới’, ý tôi là một cuộc chiến kinh tế, quân sự và ý thức hệ toàn cầu, có thể kéo dài cả thế hệ, có thể dẫn đến sự chia rẽ của phần rộng lớn khu vực trên thế giới thành một khối ủng hộ Mỹ và khối ủng hộ Trung Quốc và sẽ có nhiều quốc gia bị kẹt ở giữa”.
Ông nói rằng sự chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ buộc các nước Đông Nam Á phải đứng về phía nào đó, mặc dù họ muốn trở nên “thực dụng” và duy trì sự thân thiện với cả hai nước càng lâu càng tốt.
Chuyên gia Tay nói trong buổi hội thảo trực tuyến Cập nhật kinh tế vĩ mô hàng quý của Fitch. Ông nói: “Ở châu Á, sức hút từ sức hút của Trung Quốc về quy mô và ảnh hưởng của họ sẽ khó cưỡng lại. Đó không phải là một lý lẽ hạ gục để nói rằng họ sẽ đứng về phía Trung Quốc trong trường hợp đó. Nhưng có nguy cơ khiến họ phải xem xét”.
Giá trị đối lập
Giải thích quan điểm của ông về “sự bất đồng về ý thức hệ” giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Tay nói đến một văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc được lưu hành vào năm 2013 xác định dân chủ lập hiến và tự do báo chí là một số mối đe dọa đối với quyền lực của đảng. Ông chỉ ra rằng đây là những gì phương Tây coi là những giá trị phổ quát.
Tay cho biết lĩnh vực công nghệ đã trở thành chiến trường của Mỹ và Trung Quốc, và có thể sẽ chứng kiến sự chia rẽ lớn nhất nếu quan hệ không được cải thiện.
Trong những tháng gần đây, Washington ngày càng gây khó khăn hơn cho Huawei trong việc mua chất bán dẫn cần thiết để sản xuất các sản phẩm của mình. Chính quyền Trump cũng đã cố gắng xóa bỏ ứng dụng chia sẻ video TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ, mặc dù một tòa án Mỹ cuối cùng đã chặn lệnh đó tạm thời.
Ngày càng ngờ vực
Tuy nhiên, các động thái chính sách đối ngoại ráo riết như danh sách đen và lệnh cấm của cả hai bên sẽ không phải là điều duy nhất khiến các nước chia rẽ nhau – mà chính sự thiếu tin tưởng cũng sẽ đóng một vai trò nhất định, theo chuyên gia Tay.
Ông cho biết: “Thật dễ dàng để tưởng tượng một người tiêu dùng Mỹ không tin tưởng một công ty công nghệ Trung Quốc cẩn thận trong việc bảo vệ quyền riêng tư của họ và tương tự, đối với một người tiêu dùng Trung Quốc đối với các công ty công nghệ của Mỹ.
Điều đó đặc biệt có khả năng xảy ra nếu mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi và có nhiều sự ngờ vực “không chỉ giữa chính phủ mà giữa người dân của hai cường quốc lớn trên thế giới này”, ông nói thêm.
Người tiêu dùng hai bên dường như tẩy chay các sản phẩm của nhau, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một báo cáo của Deutsche Bank Research vào tháng 5 cho biết một cuộc khảo sát cho thấy 41% người Mỹ sẽ không mua hàng “Made in China” nữa, trong khi 35% người Trung Quốc sẽ không mua hàng hóa “Made in USA”.
Bảo Nguyên