Mỹ, Trung Quốc, ASEAN: ba tình huống khó xử với tân Tổng thống Philippines
Khi người dân Philippines đi bỏ phiếu vào tháng 5 năm nay để bầu ra một nhà lãnh đạo mới, điều đó có thể đánh dấu sự thay đổi quan điểm của Manila về vấn đề Biển Đông đang tranh chấp, và một bước ngoặt trong quan hệ của Philippines với Mỹ – đồng minh an ninh của họ và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.
Bất kỳ ai thay thế Rodrigo Duterte làm tổng thống, người đó sẽ phải đối mặt với ba tình huống khó xử khi nắm quyền.
Đầu tiên là làm thế nào để mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19 đồng thời đẩy lùi những thách thức ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với lợi ích hàng hải của Manila.
Thứ hai là làm thế nào để tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Philippines và bảo vệ vị trí của họ trong các vùng biển tranh chấp mà không gây chọc giận Bắc Kinh.
Thứ ba là làm thế nào để đánh giá và phản ứng với các “tổ chức tiểu đa phương” do Mỹ dẫn đầu, chẳng hạn như Nhóm an ninh Bộ tứ – với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ – và thỏa thuận Aukus – giữa Mỹ, Anh và Australia – mà không ảnh hưởng đến cam kết của Manila đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Khối 10 quốc gia này từ lâu đã tự hào là cốt lõi của kiến trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng khối này đang ngày càng hứng chịu căng thẳng do các cấu hình an ninh mới. Kỹ năng của Philippines trong việc điều hướng bối cảnh đang thay đổi này sẽ quyết định xem liệu nước này có thể vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung có thể gây ảnh hưởng đáng kể trong khu vực lân cận hay không.
Khi nói đến Trung Quốc, quan điểm của Philippines vẫn có phần do dự. Hiện ngày càng có sự công nhận rõ ràng hơn về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Philippines. Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu hàng đầu của Philippines, nhà đầu tư lớn thứ hai và là nhà xây dựng cơ sở hạ tầng tích cực. Họ thậm chí còn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á trong vài tháng năm ngoái – thể hiện sự mong muốn của Bắc Kinh trong việc giảm sự mất cân bằng thương mại với Manila bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa điện tử và nông nghiệp của Philippines.
Do đó, câu hỏi không còn là liệu Trung Quốc có thể cung cấp sự phát triển lớn mạnh về kinh tế hay không, mà là liệu điều này có khiến Manila gặp khó khăn trong chính sách đối ngoại của mình hay không.
Làm thế nào để Philippines có thể dung hòa vị thế của họ với tư cách là đồng minh lâu đời của Mỹ, vốn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và là thành viên sáng lập của ASEAN, vốn coi trọng sự trung tâm và trung lập? Bối cảnh khó khăn này sẽ là phép thử dũng khí ngoại giao của bất cứ ai trở thành nhà lãnh đạo mới của Philippines và đó là điều mà những người đang tranh cử cho công việc hàng đầu hiện nay nên suy ngẫm một cách nghiêm túc.
Huỳnh Nhân