Mỹ: Lừa đảo trên mạng gây thiệt hại 4,2 tỷ đô la năm 2020
Một báo cáo mới cho thấy những kẻ lừa đảo trực tuyến đã đánh cắp số tiền kỷ lục 4,2 tỷ đô la từ người Mỹ trong năm 2020 so với tổng số 7,6 tỷ đô la bị mất từ năm 2017 đến năm 2019. Khi người Mỹ dành nhiều thời gian lên mạng hơn giữa đại dịch COVID-19, những kẻ lừa đảo đã sử dụng các kỹ thuật được gọi là giả mạo và đánh lừa để thiết lập uy tín và lừa mọi người cung cấp thông tin nhạy cảm của họ, theo một báo cáo mới từ trang web xác minh danh tính Social Catfish, nơi chia sẻ câu chuyện của những người bị lừa trực tuyến. Social Catfish cho biết: “Những kẻ lừa đảo tạo ra nhiều thủ đoạn để lừa đảo mọi người. Chúng tạo hồ sơ giả và truy cập các nền tảng truyền thông xã hội, trang web hẹn hò và ứng dụng trò chơi trực tuyến để bắt đầu cuộc trò chuyện với nạn nhân. Chúng sử dụng kịch bản tạo sẵn để nói chuyện với nạn nhân của họ được gọi là vở kịch của kẻ lừa đảo”.
Những kẻ lừa đảo, một khi chúng chiếm được lòng tin của nạn nhân, sau đó sẽ “viện lý do tại sao chúng có thể cần tiền của bạn hoặc thậm chí những thứ có giá trị khác, chẳng hạn như thẻ quà tặng hoặc điện thoại di động”.
Các nạn nhân ở California, New York, Texas, Florida và Ohio mất nhiều tiền nhất vào tay những kẻ lừa đảo vào năm 2020, từ 621 triệu đô la ở California đến 170 triệu đô la ở Ohio, theo báo cáo dựa trên cuộc khảo sát của Social Catfish với 722 nạn nhân lừa đảo và dữ liệu từ Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet (IC3), Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và FBI được phát hành vào năm 2021. Theo nghiên cứu, những kẻ lừa đảo đã đánh cắp số tiền ít nhất từ các nạn nhân sống ở South Dakota, Vermont, West Virginia, New Hampshire và Wyoming. Nạn nhân thường bị dụ dỗ bởi những kẻ lừa đảo thông qua các ứng dụng hẹn hò. Các ứng dụng mà những kẻ lừa đảo thường xuyên sử dụng nhất là mạng xã hội và nền tảng nhắn tin Facebook, Google Hangouts, Instagram và WhatsApp, tiếp theo là các ứng dụng hẹn hò Plenty of Fish, Match.com, OurTime, Zoosk và Tinder. Social Catfish lưu ý rằng Google Hangouts và WhatsApp là những ứng dụng hàng đầu được những kẻ lừa đảo sử dụng vì chúng dụ nạn nhân của họ thông qua các ứng dụng hẹn hò, sau đó đưa “nạn nhân của họ ra khỏi ứng dụng và giao tiếp với họ qua Google Hangouts để tránh bị báo cáo về ứng dụng hẹn hò”.
Bên ngoài các ứng dụng hẹn hò, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một kỹ thuật gọi là phishing, tức hành động gửi email và tin nhắn văn bản có vẻ như đến từ các nguồn chính thức hoặc các công ty yêu cầu nạn nhân chia sẻ thông tin cá nhân. Các email này thường được ngụy trang bằng các địa chỉ email giả gần với địa chỉ email xác thực, ảnh và logo giống với các công ty thực và ngôn ngữ thuyết phục. Hầu hết những kẻ lừa đảo đến từ Nigeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Romania và Mexico, theo Social Catfish.
Hạnh Dung