Mỹ đối mặt với áp lực lớn từ lạm phát tăng cao

Thời điểm tháng 12/2021, lạm phát ở Mỹ tăng 7% – mức cao nhất trong gần 40 năm trở lại đây. Lạm phát leo thang cộng với giá cả hàng hóa tăng chóng mặt gây áp lực không nhỏ lên các nhà hoạch định chính sách nước này, đòi hỏi phải giải quyết triệt để những vấn đề đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ.

Diễn biến lạm phát Mỹ thập niên qua, với màu tím là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), màu xanh là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không gồm giá thực phẩm và xăng dầu (Core CPI), màu đỏ là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và màu vàng là PCE cốt lõi. Nguồn: Reuters

Theo ông James Knightley – Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế của Tập đoàn Tài chính ING, áp lực lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù tăng trưởng của nền kinh tế có thể chạm đỉnh song rủi ro là lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian dài

Tình hình không mấy khả quan buộc các công ty lớn nhỏ phải tìm cách thích ứng hiệu quả. Nicole Pomije – Chủ một tiệm bánh ở Minneapolis (bang Minnesota) cho biết sẽ tăng giá bánh quy trong thời gian tới để bù đắp cho phần chi phí nguyên liệu tăng cao. “Tăng giá đồng nghĩa với mất khách nhưng chúng tôi không còn cách nào khác” – Nicole Pomije cho hay

Ngoài ra các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực buộc phải chấp nhận tăng lương. Tuy nhiên dẫu thu nhập của người lao động có tăng vẫn không thể theo kịp giá hàng hóa và dịch vụ đang tăng chóng mặt. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cùng với đại dịch Covid – 19, lạm phát đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của công chúng.

Kể từ đầu những năm 1980 đến nay, Mỹ chưa từng chứng kiến lạm phát cao như vậy. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – ông Paul Volcker lúc bấy giờ đã phải triển khai phương án đối phó bằng cách đẩy lãi suất lên rất cao với mức cơ bản dành cho khách hàng tốt nhất của các ngân hàng là 20%. Quyết định này đã đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu nhưng đổi lại Fed đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát trong giai đoạn 1979-1981 vốn luôn ở mức hai con số trong phần lớn.

Còn ở thời điểm hiện tại, lạm phát ở mức cao và kéo dài gây áp lực lớn lên Tổng thống Joe Biden. Ông chủ Nhà Trắng và một số nghị sĩ đảng Dân chủ bắt đầu đổ lỗi cho các tập đoàn lớn, cáo buộc họ đang tận dụng tình trạng thiếu hụt do đại dịch để tăng giá và tăng lợi nhuận.

Một xu hướng mà các chuyên gia lo ngại là vòng xoáy giá cả – tiền lương xảy ra khi người lao động muốn tăng lương để bù đắp phần chi phí tăng cao. Đổi lại, các công ty buộc phải tăng giá sản phẩm  để có thêm phần lợi nhuận trả lương cho công nhân. Vừa qua Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói với Thượng viện rằng ông vẫn chưa thấy bằng chứng cho thấy tiền lương đang làm tăng giá trên toàn bộ nền kinh tế.

Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lạm phát là tình trạng cung – cầu không phù hợp. Tình trạng thiếu chất bán dẫn khiến các công ty ôtô không thể sản xuất đủ xe mới và đây là nguyên nhân đẩy giá ôtô  đã qua sử dụng tăng hơn 37% trong năm 2021. Ngoài ra những hạn chế trong chuỗi cung ứng cũng đã đẩy giá đồ nội thất cao hơn gần 14%.

Gía cả hàng hóa tăng chóng mặt buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những thứ cần thiết và đang được giảm giá. Các chuyên gia kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt khi làn sóng Omicron giảm dần, từ đó khuyến khích người Mỹ chuyển nhiều chi tiêu hơn sang các dịch vụ như: du lịch, ăn uống, xem phim….Điều này sẽ giúp giảm nhu cầu hàng hóa và khơi thông chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên một số hạng mục chi tiêu vẫn sẽ có mức giá cao hơn, đơn cử như giá thuê nhà. Sau khi tăng nhanh kể từ mùa hè, chi phí thuê nhà tiếp tục tăng 0,4% trong tháng 12/2021. Giá thuê nhà rất quan trọng vì chi phí nhà ở chiếm một phần ba chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ.

Ông Jerome Powell nói với Quốc hội rằng nếu cần thiết phải vào cuộc chống lạm phát một cách đồng bộ, quyết liệt. Bản thân Fed sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất mà họ dự kiến bắt đầu trong năm nay. Lãi suất ngắn hạn chuẩn của Fed, hiện được chốt gần 0 và dự kiến sẽ tăng ít nhất ba lần trong năm nay. Việc tăng lãi suất sẽ khiến người dân thận trọng hơn khi vay mua nhà hoặc xe hơi, từ đó giúp hạ nhiệt nền kinh tế.

Một số nhà kinh tế và các thành viên của Quốc hội bày tỏ sự quan ngại rằng Fed đã hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát. Yêu cầu đặt ra là các đợt tăng lãi suất sắp tới phải mạnh tay hơn, dẫu có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Còn một số nhà kinh tế tự do và các đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng lạm phát tăng cao cũng có một phần trách nhiệm của Tổng thống Joe Biden bởi gói giải cứu tài chính mà ông đã thông qua vào tháng 3 năm ngoái đã làm tăng đáng kể động lực lạm phát cho một nền kinh tế vốn đã mạnh lên.

Huyền Anh