Mỹ cung cấp khoản cứu trợ 482 triệu đô la cho ngành hàng không

Chính quyền Biden đang cung cấp 482 triệu đô la cho các nhà sản xuất trong ngành hàng không để giúp họ tránh cắt giảm việc làm hoặc cắt giảm lương trong đại dịch. Bộ Giao thông Vận tải cho biết khoản cứu trợ do người đóng thuế tài trợ sẽ trang trải tới một nửa chi phí trả lương tại 313 công ty, điều sẽ cứu giúp 22.500 việc làm.

Du lịch hàng không giảm mạnh do sự lan rộng của COVID-19. Biến thể Delta đã dẫn đến số lượt hủy chuyến tăng cao và giảm lượt du lịch trong những tháng gần đây. Hơn 100.000 việc làm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đã bị mất trong một ngành công nghiệp sử dụng khoảng 2,2 triệu người, theo Bộ Giao thông Vận tải. Công ty nhận lớn nhất trong số tiền quỹ được công bố hôm thứ Hai là Spirit Aerosystems, một nhà cung cấp của Boeing có trụ sở tại Kansas, nhận được 75,5 triệu đô la mà chính phủ cho biết sẽ giúp bảo vệ 3.214 việc làm. Parker-Hannifin Corp. ở Ohio, công ty sản xuất hệ thống thủy lực cho máy bay, sẽ nhận được 39,7 triệu USD.

Đơn vị điện tử hàng không của Panasonic của Nhật Bản, có trụ sở tại California, sẽ nhận được 25,8 triệu đô la và một số công ty con của Mỹ của Safran S.A của Pháp sẽ nhận được tổng cộng 24,8 triệu đô la. Khoản tiền cho các công ty hàng không vũ trụ đến từ gói 1,9 nghìn tỷ đô la đã được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 3.

Khoản cứu trợ tương tự như một chương trình viện trợ lớn hơn cho các hãng hàng không Mỹ, vốn đã nhận được 54 tỷ đô la trong năm rưỡi qua. Các hãng hàng không cũng đồng ý không tuyển dụng thêm bất kỳ công nhân nào, nhưng họ đã loại bỏ hàng chục nghìn công việc bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích cho nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm.

Cục Hàng không Liên bang, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, gần đây đã trao 100 triệu đô la cho các công ty hàng không vũ trụ bao gồm Boeing, bộ phận hàng không của General Electric và nhà sản xuất động cơ phản lực Pratt & Whitney để làm cho máy bay ít ô nhiễm hơn và êm hơn.

Huyền Anh