Mỹ cấm nhập khẩu dầu cọ từ Sime Darby của Malaysia vì cáo buộc cưỡng bức lao động
Chính phủ Mỹ đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ của Malaysia vào hôm thứ Tư do cáo buộc rằng một trong những nhà sản xuất hàng đầu của nước này sử dụng lao động cưỡng bức.
Theo lệnh ủy thác (WRO) mới, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) sẽ phải chặn giữ bất kỳ loại dầu cọ nào từ nhà sản xuất Sime Darby Plantation Berhad của Malaysia, một nhà cung cấp sản phẩm chính.
Đây là lệnh ủy thác thứ ba được ban hành trong năm nay liên quan đến nghi ngờ lao động cưỡng bức ở Malaysia và là lệnh ủy thác thứ hai nhắm vào ngành công nghiệp dầu cọ khổng lồ của đất nước này. FGV Holdings Berhad của Malaysia cũng nằm trong một lệnh ủy thác riêng biệt được ban hành vào cuối tháng 9.
Sime Darby Plantation không thể đưa ra bình luận ngay lập tức.
Nhưng sau khi có các thông tin hồi tháng 10 rằng Bộ Thương mại Mỹ đã để mắt đến Sime Darby Plantation để có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt, công ty cho biết vào thời điểm đó rằng họ đang ở “vị trí dẫn đầu trong việc thúc đẩy các nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động”,
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sử dụng 11 “chỉ số” về lao động cưỡng bức khi giám sát các chuỗi cung ứng trên khắp thế giới, bao gồm hạn chế di chuyển, giữ lại tiền lương, bạo lực thể chất và tình dục cũng như điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng.
Theo Bộ Thương mại, thông tin từ đồn điền Sime Darby của Malaysia “cho thấy rõ” sự hiện diện của tất cả 11 chỉ số của ILO ở đó.
Dầu cọ được sử dụng như một thành phần trong nhiều loại thực phẩm chế biến, cùng với mỹ phẩm, dược phẩm và nhiên liệu diesel sinh học.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho đến nay Indonesia và Malaysia là hai nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm lớn nhất thế giới.
USDA ước tính Indonesia sẽ sản xuất khoảng 43,5 triệu tấn trong năm tới và Malaysia sẽ sản xuất khoảng 19,9 triệu tấn.
Bảo Nguyên