Mỹ-Ấn tăng cường hợp tác quân sự

Mỹ và Ấn Độ đã tái khẳng định quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh của họ vào thứ Ba và ký một thỏa thuận cho phép New Delhi truy cập dữ liệu vệ tinh quan trọng của Mỹ để phục vụ tên lửa và các vũ khí quân sự khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đã thông báo về việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA) tại New Delhi giữa hai nước.

Theo Esper, quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh và ổn định của khu vực. Ông nói: “Chúng tôi sát cánh cùng nhau ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động gây hấn và gây bất ổn”.

Esper, cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã ở Ấn Độ để gặp Thủ tướng Singh và Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, cho Đối thoại Bộ trưởng Mỹ-Ấn 2 + 2.

Pompeo mô tả Đảng Cộng sản Trung Quốc “không phải là bạn bè của nền dân chủ”.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ Times Now, ông nói rằng các thỏa thuận giữa Mỹ và Ấn Độ nhấn mạnh sự hiểu biết rằng có một “trận chiến” giữa tự do và chủ nghĩa độc tài. Ông nói: “Ấn Độ, giống như Mỹ, đã chọn dân chủ, tự do và chủ quyền và tất cả những điều mà người dân Ấn Độ vô cùng quan tâm. Vì vậy, khi đối đầu với sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bạn có thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác của mình”.

Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Ấn

BECA là hiệp định quốc phòng cuối cùng trong 4 hiệp định quốc phòng cơ bản giữa hai nước. Mỹ thường ký các thỏa thuận như vậy với các đồng minh thân cận của mình để cho phép trao đổi thông tin nhạy cảm và tuyệt mật.

Mỹ và Ấn Độ đã ký ba hiệp ước trước đó để hợp tác hơn nữa về hậu cần quân sự và thông tin liên lạc:

1. Hiệp định chung về An ninh thông tin quân sự năm 2002;

2. Biên bản thỏa thuận trao đổi Logistics năm 2016;

3. Thỏa thuận Bảo mật và Tương thích Truyền thông năm 2018.

Theo thỏa thuận BECA, Ấn Độ sẽ có quyền truy cập vào một loạt dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không được coi là quan trọng để nhắm mục tiêu tên lửa và máy bay không người lái. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép Mỹ cung cấp hệ thống hỗ trợ định vị và điện tử hàng không tiên tiến trên các máy bay do Mỹ cung cấp cho Ấn Độ, theo nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Cả Mỹ và Ấn Độ đều chuẩn bị tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương vào tháng tới cùng với Nhật Bản và Australia.

New Delhi trước đó đã phản đối ý tưởng đưa Australia tham gia các cuộc tập trận chung vì lo ngại về việc khiêu khích Bắc Kinh nhưng mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc đã xấu đi trong những tháng gần đây vì các cuộc đụng độ căng thẳng ở biên giới trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Bốn quốc gia đang tham gia một cuộc đối thoại chiến lược không chính thức giữa họ được gọi là Đối thoại An ninh Tứ giác, thường được gọi là “Bộ tứ”. Mặc dù được mô tả là một nỗ lực tập thể nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa nhập, nhưng một số chuyên gia cho rằng sự tồn tại của nó được coi là một biện pháp ngăn chặn tiềm năng đối với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Esper cho biết: “Quyết định gần đây của Ấn Độ đưa Australia tham gia Cuộc tập trận Hải quân Malabar sắp tới cùng với các lực lượng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản phản ánh tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Hoàng Phúc