Mở lối cho doanh nghiệp thâm nhập thành công thị trường Trung Đông – châu Phi

 “Để thâm nhập thành công thị trường Trung Đông – châu Phi giàu tiềm năng, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thật kỹ đối tác của mình, đặc biệt là về tập quán kinh doanh, ngôn ngữ, các khâu thanh toán…” là khuyến nghị của ông Ngô Khải Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi tại Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông – châu Phi”. Hội thảo vừa được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Tp.HCM.

Ngành dệt may sợi đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông- Châu Phi.

Theo ông Ngô Khải Hoàn, mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tốt đẹp và không ngừng được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Khu vực Trung Đông – châu Phi gồm 70 quốc gia với gần 1,4 tỷ người sinh sống có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu hàng hóa; chính vì vậy 2 khu vực này được coi là những thị trường rất màu mỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khai phá. Hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Đông – châu Phi các mặt hàng: điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản, thuỷ hải sản, hàng may mặc, cà phê, sữa và sản phẩm từ sữa …; đồng thời nhập khẩu từ khu vực này các mặt hàng: phân bón, hóa chất, quặng và khoáng sản, vải, sản phẩm hóa chất….Năm 2017, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và thị trường Trung Đông – châu Phi đạt 18,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 11,6 tỷ USD.

Về những thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông – châu Phi, bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Trung Đông – châu Phi là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục Á, Âu, Phi và là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh. Đặc biệt Dubai, UAE là một trong những thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.

Theo bà An, thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Đông – châu Phi gặp nhiều thuận lợi do đây là thị trường tương đối dễ tính, ưu tiên lựa chọn sản phẩm theo giá cả, không quá khắt khe về mặt chất lượng cũng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt các quốc gia khu vực Trung Đông là sức mua lớn và khả năng thanh toán cao do nhiều nước có kinh tế phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người cao.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, việc thâm nhập thị trường các nước Trung Đông – châu Phi cũng phát sinh nhiều bất cập đòi hỏi doanh nghiệp phải thật cẩn trọng. Ông Ngô Khải Hoàn cho biết những khó khăn từ thị trường Trung Đông – châu Phi chủ yếu xuất phát từ khâu thanh toán, tập quán kinh doanh, ngôn ngữ, chứng nhận Halal đối với mặt hàng thực phẩm cho người đạo Hồi…

Ông Hoàn khuyến nghị trong thời gian tới, việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông – châu Phi cần tập trung một số thị trường trọng điểm như Nam Phi, Dubai, UAE…bởi các thị trường này có chính sách cởi mở và nhiều ưu đãi hấp dẫn về thuế. Với 70% hàng hóa nhập khẩu được tái xuất sang các thị trường Trung Đông, Bắc Phi thì Dubai và UAE chính là 2 thị trường trọng điểm, đồng thời là cửa ngõ cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập và chinh phục thành công thị trường Trung Đông – châu Phi. “Về phía Vụ Thị trường châu Á – châu Phi sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham dự các hội thảo, hội nghị, triển lãm tại các thị trường Trung Đông – châu Phi nhằm đưa hàng Việt vào các siêu thị tại thị trường trọng điểm như Nam Phi, Dubai, UAE” – ông Hoàn nhấn mạnh.

Minh Đường