Mạnh dạn áp dụng kinh tế số sẽ tạo nhiều lợi thế trong cạnh tranh
Cuối tháng 10/2020 vừa qua, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức “Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi cho biết, trong những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình chuyển đổi số đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể được coi là đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Ban kinh doanh chiến lược, Tập đoàn FPT cho biết, hiện các doanh nghiệp quen với việc kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trên nền tảng số; bán hàng được thông qua các nền tảng số. Trong sản xuất, doanh nghiệp cũng đã áp dụng ứng dụng công nghệ trong phân tích, đánh giá để mang lại hiểu quả cao hơn. Do đó, chuyển đổi số tại Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 và COVID-19 cần được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ để tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 mặc dù gây tác động tiêu cực nhưng cũng là cơ hội cho chuyển đổi số, tạo thói quen mới, kỹ năng mới, và trong thời gian ngắn vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều quy định thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TMA Solutions tại Australia, nếu mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới, nhanh chóng giải quyết các rào cản, Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, việc nhanh chóng hiện đại hóa các ngành và thúc đẩy nền kinh tế số không chỉ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 mà còn tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh mới, trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ ở Đông Nam Á.
Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, bộ ngành, triển khai 5G và khuyến khích họp trực tuyến.
Bên cạnh đó, phát triển các trung tâm phát triển khoa học-công nghệ, công viên phần mềm. Xây dựng các chợ online để kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp Việt quảng bá thương hiệu ra thế giới, thúc đẩy xuất khẩu.
Giáo sư Trần Ngọc Anh, kiều bào Mỹ cho rằng, thế mạnh quan trọng của Việt Nam là có hàng trăm nghìn kiều bào đang là các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, thu hút để liên kết chặt chẽ các nhà nghiên cứu, để họ có thể góp ý các chính sách, giúp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý trong nước. Tư vấn các chiến lược để thực thi các chính sách một cách có hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến của kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cần phải được coi là ưu tiên quốc gia và động lực tăng trưởng mới trong tương lai, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Để làm được điều này, cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối vạn vật…
Ông Trần Quốc Phương cho biết, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, quan trọng và liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp nòng cốt về công nghệ thông tin mở rộng không chỉ lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin mà còn chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ nội dung số như công nghiệp điện tử, công nghiệp an toàn, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật (IoT)…
Trước mắt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong một số ngành nghề phù hợp. Cụ thể, trong thời gian dịch COVID-19, các hoạt động như giáo dục, đào tạo trực tuyến, các hoạt động khám, chữa bệnh trực tuyến từ xa, thương mại điện tử đã được khuyến khích, được tạo điều kiện phát triển và đã đạt những kết quả tích cực.
Minh Anh