Mạng lưới Internet của Nga sắp bị thắt chặt giống Trung Quốc

Giống như nhiều quốc gia khác, Internet của Nga từ lâu đã bao trùm thông tin từ cả phương Đông và phương Tây.
Công dân Nga, không giống như những người dân Trung Quốc, đã có thể truy cập các nền tảng công nghệ của Mỹ như Facebook, Twitter và Google, mặc dù họ phải chịu sự kiểm duyệt và hạn chế – đặc điểm nổi bật của mô hình internet của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cũng có thể là hồi chuông báo tử cho sự hiện diện của tự do Internet.
Hôm thứ Sáu, khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được siết chặt và giao tranh ở Ukraine tiếp tục gia tăng, Chính phủ Nga cho biết họ đã quyết định chặn Facebook, viện dẫn động thái của mạng xã hội này trong những ngày gần đây nhằm áp đặt các hạn chế đối với các phương tiện truyền thông do Nga kiểm soát.
Mặc dù Facebook không phải là nền tảng lớn nhất trong nước, nhưng việc chặn Facebook có thể là một động thái mang tính biểu tượng để cho thấy rằng chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng truy lùng những tên tuổi lớn trên toàn cầu nếu họ không tuân theo đường lối của Nga.
Hiện tại, cơ quan viễn thông của Nga, Rozkomnadzor, đang gây áp lực lên Google về những gì họ cho là thông tin “sai sự thật” và được cho là đang hạn chế Twitter. Các nền tảng khác đang chọn cách tự ngừng hoạt động.
Việc tách khỏi Nga có thể không gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với các nền tảng công nghệ phương Tây, với một vài trong số họ có tới vài tỷ người dùng. Tuy nhiên, những động thái này có tác động lớn đến khả năng tiếp cận thông tin và tự do thể hiện bản thân của người Nga. Ở cấp độ cơ bản hơn, nó cũng có thể đẩy nhanh hơn nữa sự đứt gãy của Internet toàn cầu như chúng ta đã biết.
Một bức màn sắt kỹ thuật số
Nhiều biện pháp hạn chế gần đây của Nga đối với các nền tảng công nghệ phương Tây xuất phát từ luật “Internet có chủ quyền” do Nga ban hành vào năm 2019 cho phép Roskomnadzor kiểm soát chặt chẽ hơn việc truy cập Internet trong nước và có khả năng cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ trực tuyến với phần còn lại của thế giới.
Theo Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo, một đạo luật được chính phủ của Putin thông qua hôm thứ Sáu càng làm gia tăng sự thù địch với các dịch vụ phương Tây, khiến việc phổ biến thông tin “giả” về cuộc xâm lược Ukraine trở thành tội ác, với hình phạt lên đến 15 năm tù giam. Luật này buộc một số hãng tin tức, bao gồm cả CNN, đình chỉ việc đưa tin của họ từ bên trong nước Nga. TikTok cũng viện dẫn môi trường pháp lý mới khi thông báo quyết định ngăn chặn các video tải lên và phát trực tiếp mới trên nền tảng của mình ở Nga.
Các công ty công nghệ khác trước đó đã thu hẹp sự hiện diện của họ ở Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine. Apple, Microsoft và Intel đã ngừng tất cả các dịch vụ bán hàng và hạn chế tại nước này, trong khi Google, Twitter, Netflix, Spotify và Meta đã chặn hoặc hạn chế các cơ sở truyền thông nhà nước của Nga và trong một số trường hợp, họ đã tạm dừng hoàn toàn quảng cáo ở nước này. Cogent Communications, một trong những nhà cung cấp lưu lượng truy cập Internet lớn nhất thế giới, được cho là đã bắt đầu cắt một số nhà cung cấp dịch vụ của Nga khỏi mạng của mình vào thứ Sáu.
Trong khi Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng khả năng kiểm duyệt sâu rộng của mình và gần như chặn hầu hết các nền tảng công nghệ phương Tây hoạt động trong nước, Nga đang cố gắng thực hiện chuyển đổi Internet đó trong khi tiến hành cuộc chiến tại Ukraine. Khả năng của Nga trong việc triển khai công nghệ tương tự Trung Quốc là một vấn đề đáng nghi ngờ về việc liệu Nga có khiến các nền tảng phương Tây hoàn toàn không thể truy cập được hay thậm chí kiểm duyệt nội dung và chủ đề cụ thể trong thời gian thực như chính phủ Trung Quốc thường làm hay không.
Quốc Thảo