Lý do Hồng Kông duy trì định nghĩa luật pháp “mập mờ”
Trong nhiều thập kỷ, Hồng Kông đã quảng cáo rằng pháp quyền là nền tảng cho sự thành công của thành phố này với tư cách là một trung tâm kinh doanh quốc tế.
Tuy nhiên, ngày nay, chính phủ Hồng Kông thường tỏ ra không muốn hoặc không thể giải thích luật pháp của họ thực sự là gì.
Trước thềm lễ kỷ niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 vào ngày 4 tháng 6, các quan chức Hồng Kông đã nhiều lần bị các nhà báo hỏi liệu việc kỷ niệm sự kiện này có bị coi là phạm tội theo luật an ninh quốc gia (NSL) do Bắc Kinh ban hành sau biểu tình năm 2019 hay không.
Trong mỗi trường hợp, các quan chức, bao gồm cả Trưởng đặc khu Hồng Kông John Lee, đều từ chối đưa ra câu trả lời trực tiếp.
Khi trả lời câu hỏi của các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ vào tháng trước, ông nói: “Mọi người nên hành động theo luật pháp và suy nghĩ về những gì họ làm, để sẵn sàng đối mặt với hậu quả”.
Khi được hỏi trong tuần này để giải thích lý do tại sao hàng chục người Hồng Kông đã bị giam giữ sau khi kỷ niệm buổi lễ một cách hòa bình vào Chủ nhật, Lee chỉ nói rằng mọi người “phải hành động theo luật pháp” và rằng “luật pháp đã được nêu rất rõ ràng”.
Trong hơn hai thập kỷ sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 6, bao gồm cả buổi thắp nến cầu nguyện ở Công viên Victoria của thành phố, đóng vai trò đánh dấu các quyền tự do được đảm bảo theo một thỏa thuận được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”.
Nhưng kể từ khi NSL được thông qua vào năm 2020, các hoạt động kỷ niệm cuộc đàn áp, trong đó Quân đội Giải phóng Nhân dân đã dùng bạo lực chấm dứt các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo kéo dài nhiều tháng, đã chìm vào im lặng.
Sau khi viện dẫn các hạn chế của Covid-19 để cấm các buổi kỷ niệm hàng năm vào năm 2020 và 2021, các nhà chức trách năm nay đã phê duyệt việc sử dụng công viên cho lễ hội hóa trang ủng hộ Bắc Kinh và triển khai khoảng 6.000 cảnh sát xung quanh thành phố để ngăn chặn các cuộc tụ tập trái phép.
Sự thận trọng của chính phủ Hồng Kông về tình trạng pháp lý của các lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 6 phản ánh bầu không khí bất ổn về pháp lý nói chung đã giáng xuống vùng lãnh thổ này theo luật NSL, trong đó quy định các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài được xác định một cách mơ hồ.
Eric Lai, một chuyên gia tại Trung tâm Luật Châu Á Georgetown, cho rằng việc các quan chức Hồng Kông từ chối cung cấp thông tin rõ ràng về luật là do cố ý.
Lai nói với Al Jazeera: “Các lằn ranh đỏ càng mơ hồ thì chính quyền càng có hiệu quả cao hơn trong việc kiểm soát xã hội hoặc sử dụng các thuật ngữ của chính phủ để điều chỉnh ‘phản kháng mềm’. Các ví dụ có thể được tìm thấy vào ngày 4 tháng 6 khi chính quyền sử dụng biện pháp giam giữ phòng ngừa để cản trở các cá nhân tham gia vào các hoạt động công cộng mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào”.
Sự mơ hồ về pháp lý đã làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài của Hồng Kông, những người từ lâu đã coi hệ thống pháp luật do Anh kế thừa là yếu tố quan trọng khi chọn thành phố này làm trụ sở công ty thay vì các đô thị châu Á khác.
Trong một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ thực hiện vào đầu năm nay, 35% người tham gia cho biết họ tin rằng luật pháp đã “xấu đi” ở Hồng Kông và 19% cho biết họ nghĩ rằng nó đã “xấu đi rất nhiều”. Khoảng 19% số người được hỏi cho biết họ rất tin tưởng vào pháp quyền và 44% tin tưởng ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, 27% khác cho biết họ không tự tin hoặc “không tự tin chút nào”.
Lai cho biết niềm tin kinh doanh ở Hồng Kông có thể bị xói mòn hơn nữa nếu thuộc địa cũ của Anh mất đi những đặc điểm phân biệt với Trung Quốc đại lục, nơi các quy trình pháp lý không rõ ràng và phụ thuộc vào đảng cộng sản cầm quyền.
Mai Anh