Lời giải nào cho bài toán đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nản chí, từ bỏ giữa chừng. Song theo đại diện Bộ Công Thương, nếu vào được những hệ thống này, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ ở một vị thế mới.
Đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam đã khó và càng khó hơn khi tiếp cận được hệ thống của họ tại nước ngoài.
Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của Tập đoàn Aeon”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch Hà Nội bà Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng: Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao nhất về mặt chất lượng sản phẩm, thậm chí cao hơn các quốc gia khác như Hoa Kỳ, EU… Ngoài ra, hàng loạt các luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thực phẩm tại Nhật cũng rất chặt chẽ…
Nhiều doanh nghiệp nản chí
Đã và đang cùng Bộ Công Thương tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tiếp cận trực tiếp với các nhà bán lẻ trên nhiều hệ thống phân phối nước ngoài, điều khiến Bà Nguyễn Thị Mai Anh trăn trở là sự nhụt chí của doanh nghiệp. Bà chia sẻ, thực tế nhiều doanh nghiệp ban đầu rất háo hức tham gia nhưng sau vài lần thì từ bỏ do nhiều lý do. Đáng lo ngại, tình trạng này không chỉ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả các doanh nghiệp lớn.
Bà Mai Anh cho rằng, việc tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam đã không hề đơn giản huống hồ tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài tại nước ngoài. Aeon là tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Nhật Bản, để vào được hệ thống này, doanh nghiệp phải chuẩn bị hành trang về chất lượng, sản phẩm và giá thành. Chính vì thế, sự quyết định thành công chủ thể là doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Thảo Hiền nhìn nhận, việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của Aeon nói riêng và các hệ thống phân phối nước ngoài là một quá trình rất dài và đòi hỏi phải làm ăn bài bản từ phía doanh nghiệp. Nhưng bù lại, nếu đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối nước ngoài, doanh nghiệp sẽ có một thị trường rộng lớn, bền vững và nâng cao được uy tín thương hiệu cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Shiotani Yuichiro – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon TopValu Việt Nam cũng cho biết: Hiện nay thị phần xuất khẩu của một số nước như Myanmar, Campuchia sang Nhật qua hệ thống Aeon tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do nguyên vật liệu, những sản phẩm hỗ trợ cho sản xuất của Việt Nam phần lớn nhập từ các nước thứ ba như Trung Quốc.
Chính vì vậy, cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam chủ yếu vẫn là chi phí nhân công. Đây cũng là điểm yếu của Việt Nam. Một nguyên do nữa, nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chưa đáp ứng được số lượng đơn hàng bởi sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chưa ổn định… cũng khiến lợi thế của hàng hoá Việt Nam giảm.
Cần cải tiến liên tục
Ông Shiotani Yuichiro cũng cho hay, mục tiêu của Aeon là muốn đặt hàng các nhà cung cấp Việt Nam số lượng lớn. Hiện tại, Aeon đang có chính sách không chú trọng giá thành mà nâng cao sản lượng bán ra. Chính sách này bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2017 và lượng hàng bán ngày càng nâng cao.
“Chúng tôi đưa ra chính sách chuyển vùng nguyên liệu từ nhà cung cấp Trung Quốc với giá tương đối cao sang vùng nguyên liệu rẻ hơn như Campuchia, Myanmar, Việt Nam. Chúng tôi sẽ đặt hàng khối lượng lớn với các quốc gia này. Một số mặt hàng Aeon có kế hoạch mở rộng như socola, mỳ ăn liền, bánh chiên, hoặc các sản phẩm từ thịt gà, cá hồi…”, ông Shiotani Yuichiro cho biết.
Để nhận được đơn hàng từ hệ thống Aeon, ông Ikeda Masahito (Bộ phận Chất lượng – Tập đoàn Aeon) cho rằng: Doanh nghiệp phải thay đổi, thực hiện nhiều cải tiến để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của Aeon.
Cụ thể, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội về nhân quyền, điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn đánh giá nhà máy về trang thiết bị đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm của Aeon (nếu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO140001 và SA8000 được miễn).
Đặc biệt, tuân thủ 13 quy tắc như: không sử dụng lao động trẻ em từ 14 tuổi trở xuống; không cưỡng bức, ép buộc, thúc bách, giam giữ người lao động; an toàn vệ sinh đối với người lao động; tuân thủ thời gian lao động của quốc gia đó nếu có làm thêm giờ thì phải trả thù lao xứng đáng; phúc lợi người lao động…
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ 4 vấn đề: ngăn chặn không cho sản xuất ra phế phẩm trong quá trình sản xuất; đánh giá mức độ tin cậy của nhà cung cấp; xác nhận trang thiết bị sản xuất cũng như môi trường làm việc và cơ chế quản lý kiểm tra đối với vật thể nguy hiểm; kiểm chứng các quy trình nội bộ và những ghi chép.
Đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đòi hỏi các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính này cả về kỹ thuật, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đơn giá.
Để đạt được các yêu cầu đó, ngoài việc nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cấp về dây chuyền sản xuất, quy mô nhà xưởng, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng sản xuất và sản phẩm.
Song Hà (TBKTVN)