Liên hợp quốc cảnh báo hàng tỷ người đang đối mặt với mất an ninh lương thực
Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc được công bố hôm thứ Tư đã phác thảo số liệu thống kê khủng khiếp về mức độ đói nghèo trên toàn thế giới, cho thấy hàng tỷ người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực hoặc đứng bên bờ vực của nạn đói.
Báo cáo mang tên “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” cho biết nạn đói trên thế giới gia tăng vào năm 2021, với khoảng 2,3 tỷ người phải đối mặt với khó khăn để có đủ ăn. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng lên khoảng 924 triệu người.
Được phát hành bởi Chương trình Lương thực Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, báo cáo cho biết số liệu thống kê năm 2021 cho thấy rõ “thế giới đang đi lùi trong nỗ lực chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức”.
Người đứng đầu của 5 cơ quan trong báo cáo cho biết bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc chiến ở Ukraine đang làm tăng giá lương thực, các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt và thường xuyên hơn cũng đang gây ra các vấn đề về nguồn cung, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.
Báo cáo cho biết nạn đói tiếp tục tăng trong năm ngoái ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, nhưng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 2019-2020. Báo cáo viết: “Vào năm 2021, nạn đói đã ảnh hưởng đến 278 triệu người ở châu Phi, 425 triệu người ở châu Á và 56,5 triệu người ở châu Mỹ Latinh và Caribe”.
David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cho biết phân tích cho thấy “kỷ lục 345 triệu người thiếu ăn đang dần bị đẩy tới bờ vực của nạn đói” – tăng 25% so với 276 triệu vào đầu năm 2022 trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Con số đó chỉ khoaangr 135 triệu trước đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020.
Trước chiến tranh, Ukraine và Nga cùng chiếm gần một phần ba lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch của thế giới và một nửa lượng dầu hướng dương của nước này. Trong khi đó, Nga và đồng minh Belarus là nhà sản xuất kali số 2 và 3 trên thế giới, một thành phần chính của phân bón.
Beasley kêu gọi một giải pháp chính trị khẩn cấp cho phép lúa mì và ngũ cốc Ukraine tái gia nhập thị trường toàn cầu.
Các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và không còn nạn đói vào năm 2030, nhưng báo cáo cho biết các dự báo chỉ ra rằng 8% dân số thế giới – gần 670 triệu người – sẽ phải đối mặt với nạn đói vào cuối thập kỷ này. Đó là số người tương đương với năm 2015 khi các mục tiêu được thông qua.
Thảo Duy