Libra không cạnh tranh với tiền tệ các nước

Hôm qua (16/7), David Marcus – Giám đốc dự án tiền số Libra của Facebook đã ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ. Giới chức Mỹ tỏ ra không mấy tin tưởng Facebook và lo ngại sự tham gia của công ty này vào thị trường tiền ảo vốn không được kiểm soát.

Điều trần trước Thượng viện Mỹ, Giám đốc dự án tiền số Libra cam kết không dùng tiền này để tham gia vào cuộc chơi chính sách tiền tệ toàn cầu.

Marcus nhấn mạnh họ chỉ là một trong rất nhiều thành viên của Libra Association – tổ chức quản lý tiền ảo này. Và tầm nhìn của họ là giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn từ các công ty đáng tin cậy để sử dụng Libra, không chỉ riêng ví Calibra của Facebook. Vì vậy, Facebook “sẽ phải làm việc chăm chỉ để có niềm tin của mọi người” vào sản phẩm riêng của mình.

Ông cũng khẳng định cả Libra và Libra Association không có mục tiêu thay thế Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác. “Libra Association không có ý định cạnh tranh với bất kỳ loại tiền tệ chính thức nào, hay tham gia vào cuộc chơi chính sách tiền tệ”, Marcus nói.

Ông cho biết tiền số có rất nhiều lợi ích tiềm năng và Facebook sẵn sàng hợp tác với giới chức để thực hiện dự án này. “Tôi cho rằng đây sẽ là cuộc giám sát lớn nhất, toàn diện và cẩn trọng nhất của giới chức và ngân hàng trung ương trong lịch sử fintech”, Marcus cho biết.

Nhiều thượng nghị sĩ hôm qua cũng đề cập đến lo ngại về dữ liệu cá nhân người dùng. Facebook trước đó cho biết Calibra là thực thể độc lập tại Facebook, với nhiệm vụ phát triển ví điện tử và các sản phẩm khác sử dụng Libra. Họ khẳng định Calibra sẽ không chia sẻ dữ liệu tài chính người dùng với Facebook, trừ trường hợp như hạn chế lừa đảo. Hai bên sẽ chỉ chia sẻ thông tin nếu người dùng đồng ý.

Khi được hỏi liệu Facebook có hỏi ý kiến người dùng để kiếm tiền từ dữ liệu tài chính của họ, như cách mạng xã hội này đang làm với các dữ liệu khác, Marcus cho biết ông “chưa nghĩ được lý do nào để làm việc đó bây giờ”.

Việc trụ sở của Libra Association đặt tại Thụy Sĩ cũng khiến các nhà làm luật Mỹ nghi ngờ. Marcus khẳng định quyết định này không nhằm trốn thuế hay né các nghĩa vụ tại Mỹ. “Chúng tôi cho rằng một đồng tiền số, mang bản chất toàn cầu và được sử dụng bởi người dân trên khắp thế giới sẽ hưởng lợi từ việc đặt trụ sở ở nơi có nhiều tổ chức quốc tế”, ông giải thích. Marcus cũng cam kết Calibra sẽ tuân thủ các quy định tài chính bang và liên bang.

Dù vậy, không phải tất cả thành viên ủy ban đều có lập trường cứng rắn với Libra. Nhiều người đề cập đến tầm quan trọng của Mỹ trong việc tạo ra khung quản lý tiền ảo và các sáng kiến fintech trong tương lai.

Hôm nay, Marcus sẽ tiếp tục ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ. Giới chức Mỹ muốn hiểu thêm về Libra và ảnh hưởng của tiền số này với cả người tiêu dùng và hệ thống tài chính toàn cầu.

Sự nghi ngại của giới chức Mỹ cho thấy thách thức lớn mà Facebook đang phải đối mặt. Dù vậy, họ đến nay vẫn giữ kế hoạch ra mắt Libra đầu năm sau.

Thu Hoài (theo CNN)