Lấy công nghệ làm “vũ khí”, Việt Nam hoàn toàn có thể hùng cường

Tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam  (Vietnam ICT Summit) năm 2019, các đại biểu đều tập trung đi tìm đáp án cho câu hỏi  “Việt Nam có hùng cường được hay không”? Dưới đây là diễn đàn tổng hợp ý kiến của đại diện các Bộ, ban ngành trong nước.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa): “Tập trung chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng điểm, mang tính đột phá…”

Để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, mỗi địa phương, mỗi Bộ, ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số.

Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược; các tổ chức, doanh nghiệp có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo): “Chính phủ phải giữ vai trò tiên phong….”

Với việc tập trung rất sâu vào chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI), Diễn đàn năm nay nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Chính vì vậy với câu hỏi “Việt Nam có hùng cường được hay không?”, có lẽ chúng ta đều có niềm tin rằng với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, với công nghệ AI, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và điều kiện để tận dụng phát triển.

Ở góc độ Chính phủ, tôi cho rằng muốn phát triển bất kỳ một lĩnh vực nào thì vai trò của Chính phủ phải là số một, phải đi tiên phong từ khâu chính sách, lực lượng,… Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, mục tiêu quan trọng là số hóa hướng tới chính phủ số. Số hóa chính là nền tảng quan trọng để triển khai công nghệ AI.

Thứ hai, tôi cho rằng sắp tới đây các Bộ, ban ngành phải quan tâm thúc đẩy các nguồn tổng; đồng thời nghiên cứu chiến lược, kế hoạch để ứng dụng AI trong lĩnh vực của mình, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động

Cuối cùng, tôi rất tin tưởng Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, thích hợp để phát triển AI. Sinh viên học sinh Việt Nam có năng khiếu học Toán so với thế giới và khu vực. Đây chính là nền tảng tốt để lực lượng lao động trẻ của nước ta ngày càng đi lên.

Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông): “Việt Nam hoàn toàn có thể hùng cường trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng”

Trong lĩnh vực thông tin truyền thông nói chung và an toàn an ninh mạng nói riêng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định phải đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn an ninh mạng. Đó là quyết tâm chính trị của người đứng đầu ngành và để làm được điều này đòi hỏi tất cả các lãnh đạo và cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều phải chỉ đạo sát sao, cụ thể về tiềm lực tài chính, con người, kỹ thuật.

Riêng bản thân tôi xin khẳng định với riêng lĩnh vực an toàn an ninh mạng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở nên hùng cường.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): “Đất nước có thể hùng cường nếu như chúng ta có doanh nghiệp hùng cường”

Theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể có đất nước hùng cường nếu như chúng ta có doanh nghiệp hùng cường và toàn bộ nền kinh tế tạo môi trường hùng cường. Từ góc độ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi nhìn nhận các yếu tố liên quan đến phát triển doanh nghiệp gồm có: môi trường kinh doanh, tiếp cận tài chính và các yếu tố phi tài chính.

Xét các yếu tố phi tài chính đó, công nghệ đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng và căn bản hay không. AI cũng như câu chuyện chuyển đổi số chính là yếu tố quan trọng chiến lược hiện nay, làm thế nào để doanh nghiệp có thể ứng dụng AI để thay đổi căn bản tính chất và giá trị gia tăng của mình. Dù không làm việc trực tiếp về vấn đề AI nhưng chúng tôi nhìn nhận công nghệ là yếu tố nền tảng để doanh nghiệp tốt hơn.

Hàng năm chúng ta luôn nói về chuyện có bao nhiêu doanh nghiệp mới nhưng có lẽ chuyện đó không quan trọng bằng việc các doanh nghiệp đã thực sự đóng góp những gì, đã tận dụng những gì mới nhất của con người Việt Nam và công nghệ được tiếp cận trên thế giới để đưa ra sản phẩm cuối cùng tốt nhất.

Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sáng kiến về mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, trong đó cố gắng tập trung các tri thức Việt Nam đang học tập ở trong nước và nước ngoài, trí thức làm việc ở các tập đoàn lớn như Google, Microsoft,… cũng như các trí thức đã khởi nghiệp và một bộ phận đã quay lại Việt Nam tạo dựng startup của mình. Chúng tôi thấy rõ ràng yếu tố con người là yếu tố mang tính then chốt thực sự, có thể tạo ra những doanh nghiệp đột phá, tạo ra giá trị gia tăng cho tất cả các bên, có thể huy động sự kết nối giữa các tổ chức công nghệ và các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi phải thực sự nhìn lại bản thân mình để xem mình đã làm được những gì để đóng góp vào quá trình đổi mới của đất nước. Và vấn đề muôn thuở là phải khơi thông nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài…

Kim Phương