Lãnh đạo Chaebol nào sẽ tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam?

Dự kiến từ ngày 21 đến 24/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống lần này có phái đoàn kinh tế Hàn Quốc với 205 người, trong đó có những người đứng đầu các Chaebol (tập đoàn gia đình) hàng đầu như: Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang…

Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Eui-sun Chung

Lee Jae-yong – Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung

Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung Lee Jae-yong

Ông Lee Jae-yong sinh năm 1968 tại Seoul, Hàn Quốc. Ngay từ thời điểm sinh ra, ông đã được coi là người tiếp quản của Samsung với tư cách là con trai duy nhất của cố Chủ tịch Lee Kun-hee và là cháu của nhà sáng lập Lee Byung-chul

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và nhận bằng thạc sĩ tại Nhật Bản, ông Lee theo học tại Trường Kinh doanh Harvard trong 5 năm trước khi về làm cho tập đoàn. Điều này đã giúp cho tân Chủ tịch Samsung có được tri thức đa dạng, phong phú với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông Lee bắt đầu làm việc tại Samsung từ năm 1991 với chức vụ trưởng phòng Kế hoạch và Chiến lược, sau đó chuyển sang quản lý Bộ phận Chăm sóc khách hàng của Samsung. Từ tháng 12/2012, ông được thăng chức lên Phó Chủ tịch và đến tháng 10/2022 thì chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Samsung Electronics.

Hiện nay ông Lee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 9 tỷ USD (đứng thứ 225 thế giới) , theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.

Eui-sun Chung – Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor

Eui-sun Chung – Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor

Sinh năm 1970, Chung Eui-sun tốt nghiệp Đại học Hàn Quốc và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học San Francisco (Mỹ). Tại xứ sở kim chi, Chung Eui-sun thuộc tầng lớp “ngậm thìa vàng” khi là con cháu của gia tộc giàu có nổi tiếng Hyundai. Người ta còn gọi Chung Eui-sun là “Thái tử” Hyundai bởi ông là con trai duy nhất của cựu Chủ tịch Hyundai Motor Chung Mong-koo và là cháu nội của nhà sáng lập Tập đoàn Chung Ju Yung. Việc ông Chung lên nắm quyền Chủ tịch Điều hành Hyundai Motor không có gì là bất ngờ đối với người dân và giới truyền thông xứ Hàn bởi cha truyền con nối là chuyện thường gặp tại các chaebol ở nước này.

Chung Eui-sun bắt đầu làm việc tại Hyundai từ năm 1999 và trải qua nhiều vị trí khác nhau. Từ năm 2005 đến 2009, ông giữ chức Chủ tịch của Kia Motors – công ty sản xuất ô tô được Hyundai mua lại vào năm 1998 và biến thương hiệu xe giá rẻ này trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Năm 2010, ông Chung Eui-sun được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị Tập đoàn Hyundai. Ông tiếp tục được bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai vào năm 2018 và đã thay cha điều hành hoạt động của Tập đoàn.

Dù ở vị trí nào, Chung Eui-sun cũng đều chứng tỏ được năng lực làm việc cực kỳ hiệu quả và khả năng điều hành của mình. Đặc biệt nhắc đến Chung Eui-sun, không thể không kể đến công lao của ông trong việc chiêu mộ nhân tài về tập đoàn. Dưới sự thuyết phục của ông, những gương mặt nổi bật như nhà thiết kế của Audi Peter Schreyer, nhà thiết kế của Tập đoàn Volkswagen Luc Donckerwolke… đã đầu quân cho gã khổng lồ ô tô Hàn Quốc.

Theo Forbes, Chung Eui-sun hiện sở hữu khối tài sản 3,3 tỷ USD và là người giàu thứ 10 của Hàn Quốc.

Chey Tae-won – Chủ tịch Tập đoàn SK

Ông Chey Tae-won sinh năm 1960, hiện là tỷ phú giàu thứ 14 của Hàn Quốc và thứ 1816 của thế giới tới khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD (tính đến ngày 16/6/2023). Chey Tae-won là cháu trai của Chey Jong-kun – nhà sáng lập ra SK Group, chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, dầu mỏ, dịch vụ viễn thông, hóa chất,…

Chey Tae-won chính thức gia nhập SK vào năm 1989 vào với tư cách là giám đốc của một chi nhánh ở San Jose, California. Hai năm sau đó, ông chuyển tới trụ sở của SK tại New York và quay về Seoul vào năm 1994 để giữ chức giám đốc quản lý tập đoàn. Đến năm 1997, ông được thăng chức từ giám đốc phát triển kinh doanh lên CEO của SK Corp (sau này là chi nhánh lớn nhất của SK).

Tiếp quản SK Group, Chey Tae-won bắt đầu hướng tới những thương vụ quy mô nhỏ. Năm 2000, ông lên kế hoạch để SK Telecom sáp nhập công ty đối thủ Shinsegi Telecom với giá 2.300 tỷ won (2 tỷ USD) bằng tiền mặt và cổ phiếu. Việc mua Shinsegi đã giúp thị phần của SK Telecom tăng từ 43% lên 57%.

Chey Tae-won cũng chính là người biến SK Corp. thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán với cái tên SK Holdings. Ông cũng là người đưa SK đến với thị trường Trung Quốc, chủ yếu đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu ở Biển Đông và năng lượng, hóa chất ở Thượng Hải và Vũ Hán.

Những năm gần đây, Chey Tae-won đã chi hàng tỷ USD mở rộng quy mô của SK sang các lĩnh vực mới bằng việc để mua cổ phiếu tại các công ty ở châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Koo Kwang-mo – Chủ tịch Tập đoàn LG

Koo Kwang-mo sinh năm 1978 tại Seoul, từng theo học ngành Kỹ thuật tại Đại học Rochester của Hoa Kỳ và có bằng thạc sĩ về Quản trị kinh doanh của Đại học Stanford.

Koo Kwang-mo gia nhập LG Group với một vị trí tại bộ phận tài chính của LG Electronics vào năm 2006. 5 năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc bộ phận và sau đó tiếp tục được bổ nhiệm vào một vị trí điều hành tại chi nhánh của LG Electronics tại Mỹ. Tới năm 2014, Koo Kwang-mo trở lại làm Giám đốc điều hành LG Synergy.

Koo Kwang-mo chính thức tiếp quản LG ở độ tuổi còn rất trẻ và điều này đã trở rào cản lớn đối với ông. Dù vậy, đại diện LG cho rằng Koo hoàn toàn đảm đương được trọng trách nặng nề khi đã trải qua quá trình huấn luyện đầy đủ về quản lý thông qua nhiều vị trí tại LG Corp và LG Electronics.

Trong suốt 2 năm qua trên cương vị mới, dù khá kín đáo nhưng Chủ tịch Koo cho thấy những thay đổi mà ông mang lại là vô cùng tích cực. Koo Kwang-mo đã phát triển LG theo “chủ nghĩa thực dụng” và tập trung vào việc chọn lọc và xây dựng phong cách quản lý.

1 năm gần đây, cổ phiếu LG chứng kiến đà tăng nhẹ, vốn hóa thị trường hiện ở mức hơn 16.000 tỷ won và là chaebol lớn thứ 5 ở Hàn Quốc. Thống kê của Forbes cũng cho thấy Koo Kwang-mo hiện là người giàu thứ 13 ở Hàn Quốc với khối tài sản 1,9 tỷ USD.

Kim Dong-kwan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha

Hanwha hiện là tập đoàn lớn thứ bảy của Hàn Quốc chuyên về hóa chất, năng lượng xanh, hàng không vũ trụ và tài chính. Kim Dong-kwan là con trai cả của Chủ tịch Tập đoàn Kim Seung-youn.

Kim tốt nghiệp Đại học Harvard, gia nhập Hanwha năm 2010, phát triển sự nghiệp chủ yếu ở mảng kinh doanh năng lượng mặt trời của Hanwha. Năm 2014, Kim lãnh đạo thương vụ thâu tóm công ty năng lượng mặt trời Q-Cells của Đức và sáp nhập với Hanwha SolarOne. Một năm sau, Kim đảm nhận vị trí giám đốc thương mại của Hanwha Q Cells. Sau khi giúp công ty ký được hợp đồng lớn với hãng năng lượng NextEra Energy Resources của Mỹ, Kim được bổ nhiệm vị trí CEO Hanwha Q Cells tháng 12/2015.

Năm 2019, Kim đảm nhận vị trí phó Chủ tịch của Hanwha Q Cells vì đã có công đưa công ty trở thành nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời số một tại các thị trường lớn Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Năm 2022, Kim Dong-kwan tiếp tục được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hanwha Solutions – công ty hợp nhất từ ba chi nhánh Hanwha Q Cells, Hanwha General Chemical và Hanwha Advanced Materials. Cũng trong năm này, Kim được thăng chức phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha sau 12 năm gia nhập công ty và có nhiều cống hiến lớn.

 Cho Won-tae – Chủ tịch Tập đoàn Hanjin

Sinh năm 1976, Cho Won-tae là con trai của cựu Chủ tịchTập đoàn Hanjin Cho Yang-ho và là cháu trai của nhà sáng lập Tập đoàn Cho Choong-hoon.

Năm 2003, Cho Won-tae chính thức gia nhập Tập đoàn Hanjin, giữ chức Phó Chủ tịch của Hệ thống Thông tin & Viễn thông Hanjin. Một năm sau, Cho được chuyển đến Korean Air, nơi ông trở thành phó giám đốc của bộ phận nhóm lập kế hoạch trong bộ phận hoạt động và chiến lược.

Tháng 1/2006, Cho Won-tae được thăng chức trưởng phòng mua sắm và tháng 12/2006 tiếp tục được tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ trợ lý giám đốc. Chỉ một năm sau, Cho trở thành CEO của Korean Air và đến tháng 4/2019 thì chính thức trở thành Chủ tịch kiêm CEO của Hanjin và Korean Air.

Cho Hyun-sang – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung

Cho Hyun-sang là con út trong số ba người con của Cho Seok-rae – cựu Chủ tịch của Tập đoàn Hyosung Corp. Hiện Cho giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, còn vị trí cao nhất Chủ tịch thuộc về anh trai Cho Hyun-joon.

Trước khi về làm cho công ty của gia đình vào năm 2000, Cho Hyun-sang tốt nghiệp đại học Brown University và làm tư vấn viên tại công ty Bain & Company, sau đó là công ty viễn thông NTT của Nhật.

Hiện Cho Hyun-sang nắm giữ hơn 12% cổ phần và là cổ đông lớn thứ hai của Hyosung Advanced Materials. Tài sản khác của Cho bao gồm cổ phần tại các công ty Hyosung Chemical và Hyosung Heavy Industries, cũng như nhiều công ty tư nhân khác như công ty sản xuất máy ATM Hyosung TNS, công ty kinh doanh ô tô The Class Hyosung và công ty bất động sản Shin Dong Jin. Tổng tài sản của ông đạt 1,4 tỉ USD, theo ước tính của Forbes.

Hùng Huy