Làm sao kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước? Với

Hiện nay khoảng cách giữa 2 khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước là khá xa nên rất khó để có thể liên kết hợp tác với nhau; trường hợp có liên kết hợp tác thì tốc độ cũng diễn ra khá chậm.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được cải thiện

Theo phân tích của các chuyên gia, sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được thể hiện trước hết ở tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam khá cao, chiếm tới khoảng 80% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Chưa kể việc liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng diễn ra khá chậm. Theo một khảo khát được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết họ đã chuyển sang sử dụng nhà cung cấp là doanh nghiệp nhà nước, con số này cao hơn với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh với 14,8%.

Ngoài ra sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp, đơn cử ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; ngành điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính vẫn là do sự chênh lệch khá cao về năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Chưa kể khi liên kết với doanh nghiệp nội, các doanh nghiệp FDI cũng đặt ra những yêu cầu rất cao. Đơn cử doanh nghiệp trong nước nếu muốn trở thành vendor cấp 1 của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) phải đáp ứng đủ 18 tiêu chí từ kinh tế, xã hội cho đến môi trường, trách nhiệm cộng đồng… PGS, TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho biết hiện trong nước đã có một số doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí Samsung đưa ra. Tuy nhiên do đa phần các doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của Tập đoàn này.

Một chuyên gia kinh tế từng làm phép so sánh và rút ra kết luận rằng trình độ doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở tầm học sinh lớp 5, trong khi doanh nghiệp FDI đã tốt nghiệp cấp 3, thậm chí tốt nghiệp đại học và họ luôn đòi hỏi đối tác của mình cũng phải ở trình độ tương đương. Nói cách khác, khoảng cách giữa 2 khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là khá xa nên rất khó để có thể liên kết hợp tác với nhau.

Đây cũng là nhận xét của ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi cho rằng trình độ của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn. “Doanh nghiệp FDI như những chàng bạch mã hoàng tử, họ đến Việt Nam để tìm “ý trung nhân” nhưng doanh nghiệp trong nước lại là những cô gái èo uột, thiếu sức sống, không biết làm gì cả, cũng không biết nấu ăn và chẳng biết nói chuyện. Không đáp ứng được tiêu chí họ đưa ra thì chuyện kết đôi là rất khó” – ông Thắng khẳng định.

Qua đây có thể thấy rào cản vô hình, cản trở sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chính là khoảng cách về trình độ, công nghệ. Cũng vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp FDI dù rất mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam cũng đành chịu vì đối tác không đáp ứng được yêu cầu họ đặt ra.

Để gỡ nút thắt trên, các chuyên gia khuyến nghị cần tạo cơ chế thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó kéo gần khoảng cách với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn làm được như vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chức năng, rất cần sự chủ động, ý thức tự giác của bản thân các doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề đầu tư nâng cấp máy móc công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để từ đó gia tăng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường. Nói theo cách ví von của ông Thắng ở trên – doanh nghiệp trong nước cần tự hoàn thiện mình để  trở thành những “ý trung nhân” hoàn hảo, đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

Huy Hoàng