Lạm phát tăng kỷ lục tại Mỹ trong gần 40 năm trở lại đây
Số liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS) của Mỹ, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đạt 6,8% trong tháng 10/2021. Đây là mức tăng cao nhất trong 40 năm qua, kể từ khi ông Ronald Reagan trở thành Tổng thống thứ 40 của xứ cờ hoa.
Lạm phát tăng cao được cho là sự kết hợp của các yếu tố liên quan đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Theo báo cáo của BLS, giá cả tại Mỹ đang leo thang trên diện rộng, trong đó giá nhiên liệu, nhà ở, thực phẩm và xe hơi nằm trong số những yếu tố góp phần lớn hơn cả. Chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng 5,8%, là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982, trong khi giá thực phẩm ăn tại nhà tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 12/2008. Giá nhiên liệu so với cùng kỳ năm 2020 tăng 58,1% – mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 4/1980.
Mặc dù mức giá cao hơn mang lại một năm nhiều khởi sắc cho các doanh nghiệp Mỹ song đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden và Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), tình hình này thật đáng quan ngại bởi lạm phát gia tăng có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong kế hoạch tăng lãi suất của FED cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của ông Biden.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Có thể thấy bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến kéo dài, Chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và từ đây các hộ gia đình có điều kiện để chi tiêu nhiều hơn. Chưa kể các đợt phong toả và tâm lý thận trọng do Covid khiến người dân chuyển hướng sang sử dụng các mặt hàng tiêu dùng thay vì dịch vụ. Đó là lý do tại sao trong khi các con tàu chở hàng ùn tắc ngoài khơi Los Angeles thì các đại lý vẫn liên tục nâng giá xe cũ. Giá cả hàng hoá toàn cầu tăng cao buộc người Mỹ phải chi nhiều hơn cho các mặt hàng tạp hoá và cả xăng dầu.
Ông Omair Sharif – Chủ tịch Công ty nghiên cứu Inflation Insights cho biết kể từ tháng 2/2021 đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu lạm phát đầu tiên. Dường như có một thứ gì đó đang khuấy động ở bên dưới, nhất là trong lĩnh vực ô tô. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cộng với hoạt động sản xuất ô tô mới bị đình trệ buộc người mua và cả các công ty cho thuê xe phải mua ô tô cũ với giá cao. Chưa kể tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu và nhân công cũng tạo ra những “điểm nghẽn” trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Theo nhà kinh tế trưởng tại Jefferies – ông Aneta Markowska, đây thực sự là một cú sốc về nhu cầu. Về cơ bản, chính sự chi tiêu quá mức của người tiêu dùng Mỹ đã góp phần thúc đẩy lạm phát tăng cao. Ở thời điểm hiện tại, giá xăng ở Mỹ đã tăng tới 50% so với 1 năm trước.
Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà tình trạng tăng giá còn diễn ra trên thị trường gỗ xẻ với mức giá tăng đến 70% kể từ đầu tháng 3 đến tháng 5. Khi bong bóng gỗ xẻ vỡ, các quan chức của Mỹ, trong đó có cả Chủ tịch FED Jerome Powell đều xem đây là ví dụ cho thấy lạm phát hoàn toàn có thể hạ nhiệt sớm
Hiện tại, Tổng thống Joe Biden đang có kế hoạch tung gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD vào dịch vụ chăm sóc trẻ em và năng lượng sạch. Tuy nhiên do cho rằng chi tiêu kiểu “vung tay quá trán” của chính phủ là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng nên các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đã không ủng hộ việc chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Quy mô nhiều gói kích thích vì vậy cũng đã bị cắt giảm
Bất chấp nỗ lực thành lập một lực lượng đặc biệt để xử lý vấn đề tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và giải phóng dự trữ xăng dầu, hiện tỷ lệ bầu của ông Joe Biden vẫn đang sụt giảm khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến rất gần. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri không hài lòng với cách vị Tổng thống đương nhiệm hỗ trợ nền kinh tế và cho rằng chính những quyết định sai lầm của ông đã khiến lạm phát gia tăng.
Trong khi đó FED cuối cùng cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn, trước trong bối cảnh lạm phát tăng “nóng” từng ngày. Chủ tịch Jerome Powell cho biết trong cuộc họp chính sách vào ngày 14-15/12 tới, các quan chức NHTW sẽ xem xét việc giảm quy mô kích thích tiền tệ. Nhiều khả năng FED sẽ ngừng việc mua trái phiếu sớm nhất là vào tháng 3 và bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm sau.
Hiện tại lạm phát không chỉ là chủ đề thảo luận riêng của các nhà hoạch định chính sách mà còn cả người dân Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát được Đại học Michigan hồi tháng 11 cho thấy cứ 1 người thì có 4 người cho biết lạm phát đã khiến mức sống của họ đi xuống, mọi thứ đều tăng giá gấp đôi so với 6 tháng trước.
Tuy nhiên các chuyên gia dự báo bước sang năm 2022 giá cước vận chuyển và nhiên liệu sẽ giảm. Lạm phát hàng hoá theo đó cũng sẽ được kìm hãm khi đại dịch bớt căng thẳng và các hộ gia đình quay trở lại chi tiêu ở mức bình thường.
Quang Trung