Lạm phát – Bài toán khó tìm lời giải của các NHTW

Dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo theo hàng loạt rắc rối trong khâu nguyên liệu, vận chuyển, phân phối…và đây chính là nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa toàn cầu tăng chóng mặt. Tình thế rối ren buộc các NHTW sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát. Điều này dễ dẫn đến những rủi ro mới đe dọa đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế thế giới…

Thông thường hệ thống logistics sẽ dễ dàng điều chỉnh theo chu kỳ lên xuống của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó lực cầu tăng sẽ thúc đẩy thương mại, đẩy giá cước tăng và đem lại doanh thu khủng cho các nhà vận chuyển. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi quy luật. Dưới tác động kinh hoàng của đại dịch, kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, mạng lưới thương mại quốc tế hầu như như bị tắc nghẽn.

Thông tin từ Business Inside, hơn 70 tàu container đang lênh đênh trên biển ngoài các cảng Los Angeles và Long Beach của Mỹ đang chờ để được cập bến và bốc dỡ hàng hóa với lượng hàng hóa có thể trải dài từ Nam California tới Chicago (hơn 20 feet). Và kể cả khi những con tàu khổng lồ này có thể cập cảng, lượng hàng hóa này vẫn sẽ tiếp tục bị mắc kẹt tại cảng, chờ đợi một thời gian rất lâu để được vận chuyển vào sâu trong đất liền do tình trạng thiếu nhân công bốc dỡ và tài xế vận chuyển hàng.

Có thể thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đã rơi vào chế độ khủng hoảng. Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu vận chuyển đã giảm; tuy nhiên sự bùng nổ nhu cầu vận chuyển vào cuối năm 2021 này đã dẫn đến tình trạng chậm trễ và tắc nghẽn hàng hóa trên toàn thế giới. Yêu cầu đặt ra lúc này là thế giới phải kiểm soát được Covid-19, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mới hiện đại và hiệu quả hơn, đồng thời cải tiến công nghệ để thực hiện các giao dịch số hóa và trao đổi thông tin nhanh chóng.

Thông thường các nút thắt cổ chai trong thương mại hàng hóa thường xuất hiện sau khi có ổ dịch mới hoặc hiện tượng thời tiết cực đoan. Đơn cử mới đây dịch bệnh tái bùng phát tại Singapore đã nhanh chóng gây nên tình trạng tắc nghẽn. Đặt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nước châu Á còn thấp, nút thắt này hẳn sẽ còn tồn tại lâu dài

Theo chuyên gia Simon Heaney của Công ty nghiên cứu Drewry, để chuỗi cung ứng hồi phục, bên cạnh thời gian và nguồn vốn đầu tư để nâng công suất, đôi khi cũng cần đến yếu tố may mắn (tránh được thời tiết cực đoan hoặc dịch bệnh).

Đối với nền kinh tế toàn cầu vừa mới thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, tình trạng thiếu nguồn cung không đáng lo ngại, một phần xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng quá lớn. Tuy nhiên theo sau đó là hàng loạt rắc rối đi kèm mà đáng quan ngại nhất là tình trạng lạm phát. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ lạm phát đã bị đẩy lên mức đủ cao khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo lắng. Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt lên 5,4% và được dự báo sẽ ở mức 4-5% trong năm tới nếu như tình trạng căng thẳng nguồn cung không được cải thiện.

Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ quay trở lại trạng thái “trì lạm” (trì trệ đi kèm với lạm phát) như nước Mỹ những năm 1970. Khi đó Mỹ đã thực hiện những chính sách sai lầm và nền kinh tế phát triển quá “nóng” trong suốt 1 thập kỷ qua là nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức hơn 10%. Từ bài học nhãn tiền này, nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang và NHTW các nước sẽ không lặp lại sai lầm đó một lần nữa. Hơn nữa tỷ lệ thất nghiệp cũng đang ở mức rất thấp so với những năm 1970 và còn đang có xu hướng giảm.

Dẫu vậy tình thế rối ren hiện nay vẫn là một bài toán khó tìm lời giải của các NHTW. Nếu giữ lãi suất ở mức thấp như hiện tại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hồi phục nhưng tồn tại nguy cơ lạm phát tăng vọt. Còn nếu tăng lãi suất có thể giúp kiềm chế lạm phát nhưng lại sai ở chỗ không phải bằng cách tăng cung mà lại giảm cầu. Điều này ví như một bác sĩ phẫu thuật tuyên bố ca mổ thành công nhưng bệnh nhân đã chết.

Thị trường dự đoán trong năm 2022 tới FED sẽ tăng lãi suất 2 lần. Tuy nhiên mô hình dự đoán của Bloomberg Economics cho thấy nếu như lạm phát tiếp tục ở mức cao thì việc FED tăng lãi suất 2 lần vẫn là chưa đủ.

Tất nhiên dự báo này hoàn toàn có thể sai. Lực cầu sẽ ngay lập tức giảm xuống sau khi các gói kích thích Covid-19 phai nhạt dần hay nỗi lo FED siết chặt chính sách tiền tệ khiến niềm tin tiêu dùng bị xói mòn. Xu hướng dịch chuyển từ chi tiêu mua hàng hóa sang chi cho dịch vụ đang diễn ra ở Mỹ sẽ giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa cung và cầu.

Ngoài ra kinh tế Trung Quốc giảm tốc về cơ bản cũng sẽ làm hạ nhiệt giá hàng hóa trên thị trường. Dẫu vậy cuộc khủng hoảng mà cả thế giới đang phải đối mặt hiện nay vẫn là chưa từng có tiền lệ, chính vì vậy nhân loại cũng không thể dự báo được chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo

Thảo Anh