Làm ăn với thị trường EU, doanh nghiệp không được tăng giá tùy tiện

Là thị trường tiềm năng với hơn 500 triệu dân song EU cũng đồng thời là thị trường nổi tiếng khắt khe và cầu toàn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập và chinh phục thành công thị trường này phải luôn đặt chữ tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.

Mới đây tại Tọa đàm “Cục Hải quan Tp.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã trực tiếp chia sẻ về những cơ hội, thách thức cũng như cách thức, kinh nghiệm làm ăn với doanh nghiệp EU. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết trên thực tế thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa biết nhiều đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu vào EU nhiều hơn nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi lớn từ Hiệp định này, không chỉ với mặt hàng thủy sản, dệt may mà còn nhiều sản phẩm tiềm năng khác.

Tuy nhiên để chinh phục thành công thị trường EU, các doanh nghiệp phải lưu ý rằng EU là một thị trường màu mỡ nhưng cũng rất khắt khe và cầu toàn, người tiêu dùng EU tuyệt đối không chấp nhận những mặt hàng “sáng nắng chiều mưa” nên đã chào bán sản phẩm nào phải bán đúng mặt hàng như vậy hoặc tốt hơn, không phải “treo đầu dê bán thịt chó” như kiểu của các doanh nghiệp làm ăn chụp giựt. Đặc biệt, khi làm ăn với thị trường EU, doanh nghiệp không được tăng giá tùy tiện, giữ vững uy tín thương hiệu cũng như thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và người lao động.

Đồng quan điểm với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – ông Oliver Regner cho biết thương mại không chỉ đơn thuần là giá cả, thuế, hải quan mà trong đó còn bao hàm rất nhiều vấn đề liên quan. Đặc biệt với các nhà nhập khẩu EU, một khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, họ không chỉ chú trọng tới chất lượng, uy tín mà còn quan tâm xem doanh nghiệp Việt có thực hiện tốt các vấn đề về lao động, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường… hay không. “Ngoài ra theo cam kết của Hiệp định EVFTA, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chỉ cần có nguyên liệu từ các nước đã có FTA với EU vẫn sẽ được giảm thuế. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đa dạng hóa nguồn cung trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên hiện cơ hội này mới dành cho các ngành thủy sản, dệt may, da giày nên các ngành khác như dược phẩm, điện tử… sẽ phải cạnh tranh hơn” – ông Oliver Regner nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đến từ EU cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh gắn với ổn định nền kinh tế, qua đó mang đến cho doanh nghiệp cơ hội khai thác lợi thế của EVFTA trong thời gian tới. Về phía EuroCham, Hiệp hội này có tổng cộng 1.200 thành viên, phần lớn là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam và đầu tư tại Việt Nam. “Hiện chúng tôi đang cân nhắc mở phòng thương mại không chỉ cho các doanh nghiệp EU mà cho cả các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với EU. Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, từ đó cải tiến hoạt động sản xuất, thương mại để có hướng thâm nhập và chinh phục hiệu quả thị trường EU. Thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và EuroCham sẽ tiếp tục phối hợp theo dõi vấn đề triển khai các cam kết EVFTA. Bất cứ doanh nghiệp nào quan tâm và có ý định xuất khẩu vào thị trường EU đều phải tìm hiểu kỹ lướng mới triển khai tốt được” – ông Oliver Regner khuyến nghị.

Theo thống kê của Cục Hải quan Tp.HCM, hiện các doanh nghiệp EU có 909 dự án được Tp.HCM cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỷ USD (không bao gồm nước Anh). Đặc biệt, EU là thị trường xuất siêu truyền thống của Tp.HCM, là đối tác xuất khẩu thứ 3 và là đối tác nhập khẩu thứ 2 của Thành phố với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỷ USD. Do đó, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa từ Tp.HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.

Linh Lan