Lãi suất tiền gửi ngắn hạn tiếp tục tăng

Để đẩy mạnh huy động nguồn vốn, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, tạo nên những diễn biến trái chiều và tình trạng chênh lệch lãi suất khá lớn giữa các ngân hàng.

Trong số các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đợt này có thể kể đến Sacombank, VietinBank, BIDV, VietCapitalbank, BacABank, NCB, OCB… Trước đó vào giữa tháng 8, xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động cũng đã bắt đầu diễn ra ở một số ngân hàng thương mại như Techcombank, ACB….Bên cạnh hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất, một số khác lại bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất (chủ yếu kỳ hạn ngắn), điển hình là MB và VPBank.

Theo biểu lãi suất mới cập nhật, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại hệ thống ngân hàng thương mại hiện phổ biến ở mức 4,1% – 5,5%; với kỳ hạn 3 tháng phổ biến từ 4,6% – 5,5%. Lãi suất kỳ hạn 4 tháng, 5 tháng không chênh lệch nhiều với 3 tháng.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng dao động quanh mức 5,1% – 7,4%; còn lãi suất tiết kiệm 9 tháng từ 5,5% – 7,8%. Ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, giữa ngân hàng có lãi cao nhất và thấp nhất chênh nhau tới 2,3%/năm.

Ở kỳ hạn 12 tháng, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra lãi suất rất cao với mức phổ biến từ 6,5% – 8% và đi kèm theo đó là một số điều kiện như: số tiền gửi lớn từ 100 – 200 tỷ đồng trở lên. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở các khoản tiền gửi dài hạn nhằm bù đắp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống đang ở mức tương đối cao.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, nếu người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng thì những ngân hàng cỡ nhỏ là lựa chọn hợp lý nhất. Quan sát cho thấy hiện nay các ngân hàng nhỏ đang trong cuộc đua lãi suất; điển hình như VietCapitalbank, BacABank, NCB, OCB, HDBank, Maritimebank…thường nằm trong top có mức lãi suất cao nhất ở các kỳ hạn ngắn.

Trong khi đó dù đã điều chỉnh lãi suất tăng lãi suất nhưng nhóm 4 ngân hàng lớn đầu ngành là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank hiện vẫn duy trì mức lãi suất huy động thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, chỉ trong khoảng 4,1-7%/năm tùy hạn mức. Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng lớn có thể đưa ra mức lãi suất thấp hơn so với mặt bằng chung vì đã có được hệ thống mạng lưới rộng lớn, dễ dàng tiếp cận người có nhu cầu gửi. Ngoài ra các ngân hàng này đều đã xây dựng được uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm – dịch vụ tạo niềm tin mạnh mẽ với khách hàng.

Theo : Nguyễn Cường