Lãi suất âm và thâm hụt lớn là các thực tế “bình thường mới”
Đại dịch đang đẩy chính sách kinh tế đến những giới hạn. Các chính phủ trên khắp thế giới đang đối mặt với thâm hụt ngân sách kỷ lục, và các ngân hàng trung ương đang trở nên “gắn bó” với các chính sách tiền tệ dễ dàng mà hai thập kỷ trước đây không thể tưởng tượng nổi. Một câu hỏi lớn: Liệu mọi thứ có thể trở lại bình thường?
Trong thập kỷ qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản, cũng như các ngân hàng trung ương ở Đan Mạch, Thụy Sĩ và Thụy Điển đã thử nghiệm với lãi suất âm. Nói cách khác, các ngân hàng đang bị buộc phải trả cho ngân hàng trung ương số tiền mặt dư thừa của họ.
Từng một thời bị cho là “không thể nghĩ tới”, lãi suất âm hiện nay đã được chấp nhận, thậm chí chúng có thành tích đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu chính sách đã nêu. Hơn nữa, lãi suất âm đã trở nên cố hữu, khi chỉ có Thụy Điển xoay xở để loại bỏ các biện pháp kích thích kinh tế và đưa lãi suất về mức dương.
Đại dịch đã làm tăng nhu cầu kích thích tiền tệ, và với việc cắt giảm lãi suất hơn nữa, các ngân hàng trung ương có lãi suất âm đã phản ứng bằng cách mua một số lượng lớn trái phiếu và các tài sản khác để hỗ trợ nền kinh tế của họ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh, vốn từ lâu đã chống lại lãi suất âm, hiện đang chịu áp lực rất lớn để tuân theo lộ trình được thiết lập ở châu Âu và Nhật Bản.
Đại dịch cũng đang buộc các chính phủ phải dàn trải chi tiêu. Theo Capital Economics, các biện pháp phản ứng tài khóa tổng cộng là 12% GDP toàn cầu, so với 2% GDP toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chi tiêu kích thích đã giúp đẩy thâm hụt của Mỹ trong năm tài chính 2020 lên 3,1 nghìn tỷ đô la và nợ của nước này lên tới 21 nghìn tỷ đô la – tỷ trọng lớn nhất của nền kinh tế kể từ năm 1946, khi họ đang nổi lên sau Thế chiến thứ hai.
Có một số lý do mà hầu hết các nhà kinh tế không quá lo lắng về thâm hụt ngay bây giờ. Đầu tiên là chi tiêu của chính phủ là cần thiết để ngăn chặn các nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hơn. Thứ hai là lãi suất thấp có nghĩa là các chính phủ vay vốn sẽ rẻ hơn để tài trợ cho các biện pháp kích cầu.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của nhóm tại Capital Economics, cho biết thâm hụt sẽ trở thành một vấn đề khi chúng tiếp tục tăng cao, thông qua việc tiếp tục chi tiêu cao hoặc thu thuế thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, nền kinh tế có thể phục hồi tương đối nhanh chóng một khi đại dịch đã được tiêu diệt. Nhìn xa hơn nữa, lãi suất thấp sẽ giúp ngăn chặn nợ công vượt quá tầm kiểm soát. Ông nói: “Điều này không có nghĩa là một số quốc gia sẽ không cần phải trải qua giai đoạn cắt giảm tài khóa khi đại dịch qua đi.
Nhưng hầu hết các chính phủ, đặc biệt là những nước có ngân hàng trung ương có thể đứng sau thị trường trái phiếu của họ, có thời gian để đánh giá quy mô thiệt hại và xác định một phản ứng thích hợp”.
Trước tình trạng thất nghiệp hàng loạt và thất bại trong kinh doanh, hầu hết các chính phủ đều đặt mối quan tâm về thâm hụt sang một bên. Điều này cũng đúng với những lo lắng về chính sách tiền tệ, cho thấy lãi suất cực thấp ở đây sẽ được duy trì trong tương lai gần.
Mạnh Cường