Kinh thế gia Joseph Stiglitz: Đã đến lúc phải điều chỉnh lại nền kinh tế Mỹ

Nhà kinh tế Mỹ Joseph Stiglitz tin rằng hiện giờ là thời điểm tốt để điều chỉnh lại nền kinh tế Mỹ, lập luận rằng “chúng ta không nên để một cuộc khủng hoảng trở nên lãng phí”.

Cựu phó chủ tịch cấp cao và nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Năm rằng đại dịch COVID-19 đã nêu bật sự hoạt động trì trệ của kinh tế, liên quan đến bất bình đẳng, khủng hoảng khí hậu và sự thiếu khả năng phục hồi của nền kinh tế thị trường.

Stiglitz cho biết ông lạc quan rằng nhiều vấn đề hiện tại có thể được giải quyết đồng thời, vì chúng có liên quan với nhau.

Theo ông, Mỹ nên đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng “xanh” tạo ra việc làm và giúp giảm bất bình đẳng.

Ông Stiglitz nói. “Một khi bạn đặt tâm trí vào nó, bạn nhận ra rằng chúng ta có thể giải quyết hai hoặc ba trong số những vấn đề này cùng một lúc”. Ông nói thêm rằng Mỹ có nguồn lao động và vốn dồi dào.

Stiglitz cho biết sẽ là “lành mạnh” cho nền kinh tế Mỹ nếu tăng thuế “một chút” để tài trợ cho “một số thứ chúng ta cần vì lợi ích chung”.

Vào tháng 7, 130 quốc gia đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% và Stiglitz nói rằng động thái đó đã kết thúc cuộc chạy đua giảm thuế. Mỹ đang xem xét mức thuế 25%.

Stiglitz cho biết một nền kinh tế thành công không được xác định chỉ bằng thuế suất mà còn bởi các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng và nỗ lực nghiên cứu và phát triển.

Ông cho biết ngày càng có sự đồng thuận rằng Mỹ cần thay đổi các luật lỗi thời đã có từ 125 năm nay và giải quyết vấn đề quyền lực thị trường quá mức trên toàn nước Mỹ. Ông nói: “Sự tập trung của quyền lực thị trường đã tăng lên rất nhiều trong 35 năm qua”.

Theo Stiglitz, việc quản lý quá mức và đánh thuế quá mức sẽ không khiến phương Tây mất đi lợi thế cạnh tranh trước các cường quốc mới nổi và Trung Quốc. Ông nói: “Tôi thực sự khá tự tin rằng chương trình nghị sự mới này sẽ tăng cường sức mạnh cho chúng tôi”.

Theo Stiglitz, cạnh tranh làm cho các nền kinh tế thị trường đổi mới hơn, trong khi các công ty độc quyền làm giảm sự đổi mới. Ông nói: “Chúng tôi đã thấy những gã khổng lồ thực sự bóp nghẹt sự đổi mới như thế nào”.

Diệu Anh