Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thách thức
Đó là dự báo của các chuyên gia trong nước và quốc tế về bối cảnh kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn tại một hội nghị về đầu tư được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây.
TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Dưới góc nhìn thị trường thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 về độ hấp dẫn đầu tư trong top 20 nền kinh tế thế giới – thứ hạng này đã tăng tới 15 bậc với năm 2018 – theo xếp hạng của News & World Report.
Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam là một thị trường rộng lớn khi đã có tới 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) song phương và đa phương với các nền kinh tế trên thế giới. Các FTAs này cùng với những cải cách về thể chế sẽ là động lực giúp Việt Nam thu hút đầu tư vào những ngành như: hỗ trợ tiêu dùng (phân phối bán lẻ; du lịch,…); hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, logistics…); lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng, e-commerce, fintech,…).
Theo phân tích của ông Thành, ngoài các FTAs kể trên, những yếu tố thu hút đầu tư vào Việt Nam còn do Việt Nam có vị trí địa chính trị/địa kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động và gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Dân số trẻ (“vàng” đến 2028) cùng với chi phí lao động còn tương đối cạnh tranh. Thị trường nội địa mở rộng cùng tầng lớp trung lưu đang tăng lên… Đặc biệt, với chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1, chuyển hướng đầu tư cộng với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và những cam kết ổn định, tiếp tục cải cách, hội nhập cũng là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn với giới đầu tư…
Đánh giá về cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong tương lai dưới góc nhìn hẹp hơn của một chuyên gia tài chính, bà Stephanie Betant đến từ Ngân hàng Hồng Kông Thượng Hải (HSBC) cũng cho rằng, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển trong thời gian gần đây như mở rộng kỳ hạn từ 1- 3 năm sang 5 năm. Ước tính thị trường trái phiếu Việt Nam hiện chiếm khoảng 8,6% GDP, ngang với thị trường của Philippines trong khi đáng lẽ Việt Nam phải ngang với Thái Lan hay Malaysia do có nền kinh tế phát triển tương đương hai quốc gia này.
Bà Stephanie Betant cũng dự báo, trong thời gian tới thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ phát triển mạnh và hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế nếu giải quyết được các vấn đề còn tồn tại như: đơn giản hoá các thủ tục, minh bạch hoá thông tin bởi sự minh bạch là điều quan trọng đặc biệt của thị trường trái phiếu khiến các nhà đầu tư quyết định có bỏ tiền vào hay không?
Ông Michael Paul Piro – Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation – phân tích thêm về những tiềm năng phát triển bất động sản (BĐS) tại Việt Nam dựa trên những yếu tố về tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là tiềm năng về phát triển BĐS trong những năm tới sẽ tập trung vào phân khúc thị trường nghỉ dưỡng, nhà ở cao cấp, thị trường công nghiệp và hậu cần do sự phát triển của cơ sở hạ tầng và hàng không giá rẻ cũng như sức hút của các nhà đầu tư nước ngoài. FDI tăng trưởng cùng với doanh số bán lẻ trở thành yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng logistic hiện tại, trung bình tăng trưởng 20%/năm trong 5 năm trở lại đây.
Về triển vọng tương lai kinh tế Việt Nam sẽ suy thoái hay hưng thịnh? TS. Võ Trí Thành cho rằng, do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế Mỹ – Trung, rõ ràng kinh tế thế giới đang giảm tốc. Và theo dự báo của IFC, trong vòng 2 năm tới xu thế kinh tế thế giới vẫn là suy thoái, riêng với Việt Nam vẫn là điểm sáng, không suy thoái.
Lý giải cụ thể, ông Thành cho hay, trong 3 quý đầu năm nay tăng trưởng kinh tế cả nước vào khoảng 6,98% nhưng mới đây Thủ tướng đã nói trước Quốc hội là khả năng tăng trưởng chỉ ở mức 6,8%. Lý do chỉ số đơn đặt hàng giảm, các đơn hàng trong ngành dệt may – da giày cũng giảm, nông nghiệp xuất khẩu khó khăn… Trên thực tế, trong 10 tháng của năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam là 8,5% nhưng chủ yếu tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ trên dưới 25% còn ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) lại không mấy khả quan. Ở thời điểm này, hi vọng lớn nhất là đầu tư công nhưng lại gặp trở ngại trong quá trình giải ngân? Từ đó dự báo trong năm 2020 tăng trưởng kinh tế cũng khoảng 6,6%.
“Như vậy với mức này, Việt Nam vẫn là điểm sáng chứ chưa đến nỗi suy thoái. Tuy nhiên, tôi cho rằng để kinh tế tiếp tục phát triển những năm tới Việt Nam phải ứng xử hài hòa 3 vấn đề: Ổn định kinh tế, giảm bức xúc xã hội và cải cách thể chế”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Phân tích thêm, ông Thành cho rằng, hiện Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn như tính nhất quán, tiên liệu chính sách và thực thi; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; kết cấu hạ tầng và áp lực tăng lương. Bên cạnh đó, chi phí điều chỉnh lĩnh vực thiếu khả năng cạnh tranh, nền kinh tế dễ tổn thương, bất ổn vĩ mô trước các cú sốc từ bên ngoài…
Ngoài các vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc lớn vào tài chính lớn, vào ngân hàng. Cụ thể, hiện 60% hệ thống tài chính, vốn vẫn dựa vào ngân hàng. Dù tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể tuy nhiên nợ xấu nhóm 4-5 gần như mất vốn hiện đang quay lại với những ngân hàng nhỏ lẻ. Về thị trường chứng khoán đã chuyển từ trạng thái phấn khích năm 2017 đã sang cẩn trọng từ cuối năm 2018. Thanh khoản giảm đáng kể từ 7-8 ngàn tỷ đồng/ngày năm 2017 xuống còn trên dưới 4 ngàn tỷ đồng/ngày trong 9 tháng/2019. Về thị trường trái phiếu cũng có nhiều nền tảng cơ bản chưa hoàn thiện.
Bà Stephanie Betant cho rằng, để đa dạng dòng vốn các doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh huy động về trái phiếu và cổ phiếu. Bên cạnh đó, để thị trường trái phiếu phát triển và thu hút được các nhà đầu tư, Việt Nam cần đơn giản hoá các thủ tục và ký kết được biên bản với tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế sẽ rất tốt để các nhà đầu tư nước ngoài họ hiểu rõ được thị trường trái phiếu Việt Nam.
Hiện một số Doanh nghiệp lớn Việt Nam đã kết nối với thị trường tài chính quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu, tuy nhiên, trái phiếu chỉ là một lựa chọn còn rất nhiều cơ hội để thu hút vốn từ nước ngoài. Về phía các DN muốn và vươn ra thị trường khu vực cần nắm rõ các bước phát hành trái phiếu quốc tế. Trước hết phải xếp hạng tín nhiệm, chuẩn bị hồ sơ và thủ tục; tổ chức quảng bá marketing rất quan trọng; tiếp theo là công bố và định giá. Cuối cùng là tham gia vào thị trường thứ cấp, bà Stephanie Betantcho biết thêm.
Khánh Hòa