Kinh tế Việt Nam đón đại bàng hay chim sâu hậu Covid-19
“27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc tới khu vực rộng 4.000 ha ở Công viên công nghiệp Brebes thuộc tỉnh Trung Java, Indonesia”. Thông tin trên chưa biết có chính xác hay không, nhưng chắc chắn đã làm các quốc gia láng giềng và cả những nước có các điểm mục tiêu tương đồng đứng ngồi không yên.
Trước đó, thông tin, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, sẽ dời Trung Quốc trong tương lai, đã gieo nhiều hy vọng, trong đó, cũng như các nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cũng mong muốn có thể là bến đỗ hấp dẫn đối với các “đại bàng”.
Các nhà đầu tư phương Tây họ đang tìm kiếm gì? Tại sao lại là Indonesia? Việt Nam đã thực sự rất hấp dẫn?
Indonesia được đánh giá rất nhanh nhạy trong việc vận động thu hút đầu tư. Nhưng quốc gia Đông Nam Á này còn sở hữu cơ sở hạ và thượng tầng tương đối phát triển. Khác với nhiều nền kinh tế tại châu Á, Indonesia không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Với dân số đông gấp 2,5 lần dân số Việt Nam, nền kinh tế Indonesia hiện cũng lớn hơn gấp 4 lần. Trong khi, cơ sở hạ tầng, đường sá, bến cảng, lực lượng lao động có tay nghề, hệ thống pháp lý, pháp luật…của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Tất nhiên, quyết định dừng chân ở đâu sau khi dời Trung Quốc còn theo tiêu chí riêng của các “nhà đầu tư đại bàng”…mỗi điểm đỗ sẽ đều có những điểm yếu, mạnh riêng, nhưng việc các nhà đầu tư Mỹ quyết định chọn Indonesia, hay không chọn một nơi nào khác, cho thấy, “bến đỗ” phải có những tiêu chí phù hợp với họ và phải có lợi.
Ít nhất các tiêu chí thông lệ cần được bản đảm như, luật lệ của nước nhận đầu tư phải đủ thông thoáng để nhà đầu tư làm ăn thuận lợi; phải có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kinh doanh; chính sách, luật lệ về hối đoái, về đầu tư phải thuận tiện cho các nhà đầu tư cả khi họ vào lẫn khi họ ra… Các nhà đầu tư phương Tây còn coi trọng một môi trường kinh doanh tốt và yếu tố lành mạnh. Bởi vậy, một số vấn nạn về điều kiện kinh doanh không chính thức, hay tham nhũng tưởng là yếu tố phụ lại đều có thể trở thành những điểm trừ lớn.
Thế giới đang thay đổi nhanh và bất định. Xu hướng va đập của các nền kinh tế ngày càng lớn, chủ nghĩa đa cực, đơn cực, song cực, khiến các nước nhỏ, yếu thế phải có chính sách linh hoạt. Dòng đầu tư đang dịch chuyển, nên nếu không chủ động và nhanh nhạy chúng ta có thể không nắm bắt và tận dụng được thời cơ. Bởi vậy, hiện không chỉ còn là dọn ổ cho đại bàng, để họ nhìn thấy và đi vào. Trong cuộc đua này, chúng ta phải tự làm mới mình, từ bị động sang chủ động mời gọi, thậm chí là “săn” các mục tiêu quan trọng.
Hậu dịch Covid-19, Việt Nam có lợi thế chứng minh được môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt. Tuy nhiên, Việt Nam phải thúc đẩy môi trường kinh doanh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi”. Đây là tiền đề cho mọi vấn đề, bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi trong thủ tục hành chính là điều các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu.
Quay lại câu chuyện đón đại bàng hay chim sâu, có lẽ vấn đề thực tế nhất là dự báo được dòng FDI sắp tới sẽ “cập bến” nơi nào, cụ thể hơn là sẽ tập trung ở lĩnh vực nào? Để sẵn sàng cho khả năng tiếp đón tốt nhất. Thiết nghĩ, không phải đại bàng nào cũng tốt, cũng không phải chim sâu hay chim sẻ đều là dở. Quan trọng là mục tiêu của chúng ta là gì? Đại bàng có thể mang lại cho nền kinh tế những gì? Hay đại bàng có thể “ăn hết” những chú chim Việt còn non.
Bởi bài toán đặt ra trong hàng loạt các thay đổi hiện nay còn là câu chuyện “tự cường”. Trong xu hướng bảo hộ gia tăng, chiến lược phát triển doanh nghiệp bản địa, ưu tiên khoảng không cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp của Việt Nam cũng cần được đánh giá cao không kém việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Khối FDI chiếm giá trị xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong tăng trưởng của nhiều địa phương. Không thể phủ nhận đóng góp lớn của FDI đối với nền kinh tế, nhưng thực tế, FDI chưa mang nhiều công nghệ vào Việt Nam, hiện phần nhiều mới chỉ dừng ở mức tận dụng lợi thế thị trường, lao động, thâm dụng tài nguyên…
Như vậy, chim sâu hay đại bàng đều tốt cả, vấn đề là phải phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Không nên đặt quá cao mục tiêu và quá tham vọng, trong khi khả năng của ta là không đủ. Còn nếu phù hợp với đường hướng phát triển, đúng với trình độ của nền kinh tế, thì dù là chim sâu cũng giúp bắt được sâu, loại bỏ được những yếu tố có hại để có một nền kinh tế phát triển mạnh khỏe, tăng trưởng bền vững.
Minh Anh