Kinh tế Tp.HCM giảm sâu hơn dự báo
Đó là thông tin được Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại phiên họp về tình hình phát triển kinh tế – xã hội Thành phố quý I và nhiệm vụ, giải pháp trong quý II/2023.
Cụ thể trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Tp.HCM ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng; tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Với con số này, tăng trưởng của Tp.HCM thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Ông Nên cho biết năm 2021, trong tình thế hết sức ngặt nghèo, cả hệ thống chính trị Thành phố đã dồn sức chiến đấu với đại dịch Covid – 19 và dần kiểm soát được dịch bệnh. Bước sang năm 2022, với tinh thần “lấy lại những gì đã mất”, “đứng dậy sau cơn bạo bệnh”, kinh tế Thành phố từng bước phục hồi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình hình đã chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động. Lường trước được những khó khăn, thách thức nên năm 2023, Tp.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP thấp hơn năm ngoái, chỉ từ 7,5 đến 8%; không ngờ trong 3 tháng đầu năm, kinh tế Thành phố giảm sâu hơn dự báo. “Mức tăng trưởng 0,7% là con số bất ngờ, gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Tp.HCM đã đặt ra trong năm là 7,5% – 8%. Xảy ra tình trạng này, câu hỏi được đặt ra là cách “điều trị” của chúng ta đã đúng và cố gắng hết sức chưa? Từng ngành, từng lĩnh vực cần nhận diện rõ những khó khăn, hạn chế để có giải pháp cho đúng trong những quý còn lại của năm cũng như những năm còn lại của nhiệm kỳ” – người đứng đầu Thành uỷ Tp.HCM đề nghị
Cũng theo ông Nên, những ngày qua nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế – xã hội đã phát biểu, đặt câu hỏi, phân tích vấn đề của Thành phố với tinh thần khách quan, tương đối chính xác và có sự sẻ chia. Điều này cũng đồng thời cho thấy mỗi chuyển động của Tp.HCM đều được cả nước dõi theo, chính vì vậy Thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia. “Kinh tế cả năm như một vòng đấu loại bóng đá. Ở trận đầu tiên (quý 1), Tp.HCM dự tính hòa mà kết quả đã thua; do đó cả hệ thống cần phải cố gắng hết sức ở các trận còn lại” – ông Nên ví von.
Tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch – chuyên gia theo dõi tình hình kinh tế của Tp.HCM trong nhiều năm qua cho biết dù đã được dự báo nhưng ông vẫn hết sức bất ngờ với con số tăng trưởng 0,7%. Sau gần 40 năm kể từ khi có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị vào năm 1982, đây là lần đầu tiên tăng trưởng của Tp.HCM nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” của cả nước. Quy luật đã được chứng minh khi các yếu tố vĩ mô, tình hình thế giới tích cực, Tp.HCM sẽ khai thác vượt trội. Tuy nhiên khi bối cảnh chung chuyển biến tiêu cực, Thành phố cũng bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn.
Mổ xẻ sâu về nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Tp.HCM, TS Trần Du Lịch phân tích có 3 động lực, nói chính xác hơn là 3 “phương thuốc” để Tp.HCM phục hồi sau cơn “bạo bệnh” nhưng Thành phố chưa làm được gồm: đầu tư công, tháo gỡ thể chế, thị trường nội địa.
Cụ thể về giải ngân vốn đầu tư công, trong quý I/2023 Tp.HCM chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng. “Với kết quả này, Tp.HCM đã bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế là đầu tư công. Thành phố phải tháo gỡ đầu tư công, đầu tư tư nhân để vốn vào nền kinh tế, còn không thì không làm được gì” – ông Lịch nhấn mạnh.
Về thể chế, dù đã có nhiều kiến nghị Thành phố cần công khai, minh bạch thông tin của toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn, cái nào làm, cái nào không làm nhưng đến nay thông tin vẫn còn mù mờ, đầu tư tư nhân vì vậy cũng sa sút. Vấn đề mấu chốt ở đây là Thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng.
Về phát triển thị trường nội địa, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại Thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3% trong khi cả nước đạt gần 10%. Một điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra cũng đồng thời đặt lên vai các lãnh đạo Thành phố nhiều gánh nặng.
Với những gì đã diễn ra, TS Trần Du Lịch khuyến nghị Tp.HCM cần nhìn thẳng vào vấn đề để có hướng giải quyết hiệu quả. Dự báo từ cuối quý II, đầu quý III/2023, bối cảnh vĩ mô, thị trường tài chính có thể dễ chịu hơn, tình hình trong nước và cả thế giới khởi sắc hơn. Nếu lãnh đạo Tp.HCM thật sự quyết tâm, giải quyết được những hạn chế còn tồn đọng (sự trì trệ của bộ máy hành chính; gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân; minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…), thành phố hoàn toàn có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn và vững vàng đứng dậy trong những quý sau.
Ngọc Mai