Kinh tế Nga – Trung và những sợi dây gắn kết

Bị các nước phương Tây quay lưng sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga quay sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nga kể từ trước xung đột, qua đó giúp Bắc Kinh ngày càng khẳng định mạnh mẽ vai trò của mình trong nền kinh tế Moskva. Vậy đâu là những lĩnh vực chủ chốt giúp gắn kết hai nền kinh tế Nga – Trung Quốc?

Bệ phóng từ năng lượng

Bất chấp cơn mưa trừng phạt của phương Tây, chính phủ Nga cho biết nguồn thu của họ vẫn tăng lên, chủ yếu nhờ giá năng lượng tăng cao và nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ. Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2022, tổng kim ngạch thương mại Trung – Nga đã lập kỷ lục, tăng vọt 30% lên con số 190 tỷ USD.

Giao thương năng lượng cũng có sự gia tăng mạnh mẽ. Từ tháng 3 đến tháng 12/2022, Trung Quốc đã mua 50,6 tỷ USD dầu thô Nga, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than cũng tăng 54% lên 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu khí đốt, bao gồm cả khí qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), tăng 155% lên 9,6 tỷ USD.

Có thể thấy giao thương năng lượng tăng mạnh có lợi cho cả Trung – Nga. Với Nga, họ cần khách hàng mới trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch của nước này bị phương Tây xa lánh. Về phía Trung Quốc, họ cần nguồn năng lượng giá rẻ để vận hành ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ, tạo đà vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm Zero Covid.

Đó là lý do cả hai bên đang lên kế hoạch thắt hơn nữa chặt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có thỏa thuận giữa Gazprom và CNPC nhằm cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới. Anna Kireeva – Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva đưa ra dự báo khi kinh tế Trung Quốc mở cửa, hàng xuất khẩu của Nga sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh; trong đó có dầu thô và các sản phẩm từ dầu.

Dùng hàng Trung Quốc thay thế hàng nhập khẩu châu Âu

Báo cáo của Quốc hội Mỹ hồi tháng 5/2022 cho thấy Nga đã chi hàng tỷ USD mua máy móc, thiết bị điện tử, xe hơi, kim loại cơ bản, tàu thuyền, máy bay từ Trung Quốc nhằm thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu.

Về phía Trung Quốc hoàn toàn thừa khả năng đáp ứng nhu cầu này bởi năng lực sản xuất vượt xa tất cả các nước khác. Khảo sát của hãng nghiên cứu xe hơi Autostat (Nga) cho thấy chỉ một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rời đi, thị phần của các hãng xe Trung Quốc tại Nga như Havel, Chery, Geely đã tăng vọt từ 10% lên 38% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.

Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết nếu như năm 2021, các thương hiệu Trung Quốc đóng góp 40% thị phần smartphone Nga thì bước sang năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 95%.

Dùng đồng nhân dân tệ thay thế USD

Để siết nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự, một trong những lệnh trừng phạt mạnh tay nhất của phương Tây là loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đồng thời đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga tại nước ngoài.

Để đối phó, Moskva chọn dùng đồng nhân dân tệ Trung Quốc, tiến tới giảm sử dụng USD. Được sự khuyến khích của Chính phủ, các công ty Nga ngày càng dùng nhiều nhân dân tệ trong giao thương với Trung Quốc; về phía các ngân hàng Nga cũng thực hiện nhiều giao dịch bằng nhân dân tệ để tránh bị trừng phạt. Số liệu từ Sàn chứng khoán Moskva cho thấy tỷ lệ nhân dân tệ trong thị trường ngoại hối Nga đã tăng từ chưa đầy 1% trong tháng 1/2022 lên 48% trong tháng 11/2022.

Còn theo SWIFT, thời điểm tháng 7/2022 Nga đã trở thành điểm giao dịch nhân dân tệ tại nước ngoài lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau Hong Kong và Anh. Kể từ đó, Nga luôn duy trì trong top 6 trong khi những năm trước đó, Moskva thậm chí còn không vươn tới được top 15.

Bộ Tài chính Nga cũng tăng tỷ trọng nhân dân tệ mà quỹ đầu tư quốc gia Nga có thể nắm giữ lên 60% – gấp đôi so với thông thường. Giáo sư Anna Kireeva cho biết trong tất cả ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga dự trữ, chỉ nhân dân tệ là không bị phong tỏa; qua đó cho thấy Nga vẫn xem Trung Quốc là quốc gia thân thiện. Điều quan trọng là Nga sẽ tăng sử dụng nội tệ trong giao dịch với các nước thân thiện hoặc trung lập với họ và đây thực sự là một tín hiệu lạc quan với Bắc Kinh.

Về phía Nga, khi tăng dự trữ nhân dân tệ, Moskva có thể dùng đồng tiền này để bình ổn ruble và thị trường tài chính. Trước đó trong năm 2022, do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, ruble Nga đã trượt giá hơn 40% so với euro và USD; chỉ số chứng khoán chính của nước này cũng giảm hơn 1/3.

Mới đây Bộ Tài chính Nga đã phát đi thông báo sẽ khôi phục việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, thông qua bán nhân dân tệ và mua ruble. Tuy nhiên mối quan hệ này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Bằng chứng là hồi tháng 9/2022, hãng thanh toán Trung Quốc UnionPay đã ngừng chấp nhận thẻ phát hành bởi các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt. “Các công ty lớn của Trung Quốc đang lo ngại về các lệnh trừng phạt và thận trọng trong việc giao dịch với các thực thể Nga bị trừng phạt hoặc với thị trường Nga nói chung”– Giáo sư Kireeva cho hay.

Quốc Nam