Kinh tế Mỹ có thể chứng kiến ‘chương thứ hai’ trong đợt tăng giá do đại dịch
Năm mới mang theo hy vọng rằng một mùa lạm phát cao kéo dài và đau đớn cuối cùng cũng sắp kết thúc – nhưng nền kinh tế Mỹ có thể vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Trong một lưu ý cho khách hàng vào tuần trước, chuyên gia Ben Emons của NewEdge Wealth có trụ sở tại Connecticut đã cảnh báo rằng vẫn “có dấu hiệu của một chương thứ hai trong đợt tăng giá do đại dịch”, trích dẫn các chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến trên toàn cầu. Các dấu hiệu đó bao gồm sự gia tăng bất ngờ về tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha sau khoảng thời gian 5 tháng tăng trưởng giá cả chậm lại, bên cạnh việc tăng chỉ số giá tiêu dùng ở Australia, Nhật Bản và Italy.
Khi nêu ra lập luận của mình, Emons – một nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao – đã trích dẫn nghiên cứu của Fed được công bố vào tháng 1 cho thấy lạm phát đã trở nên đồng bộ hơn trên toàn cầu và được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố giống nhau, bao gồm nhà ở, năng lượng và giao thông vận tải. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu lạm phát tăng đột biến ở một số quốc gia phát triển, thì nó cũng có khả năng tăng ở Mỹ. Ông nói với FOX Business: “Lạm phát không bao giờ ‘ngủ quên’. Nó cao hơn và sẽ tiếp tục cao hơn”.
Một trong những động lực chính đằng sau sự phục hồi của tốc độ tăng giá là quyết định của Trung Quốc nới lỏng chính sách nghiêm ngặt Không COVID-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này – nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Hành động như vậy đã giúp giảm bớt áp lực cho chuỗi cung ứng và khôi phục vị thế cường quốc sản xuất của Bắc Kinh. Nhưng nó cũng đe dọa đẩy giá nhiên liệu, kim loại công nghiệp và thực phẩm toàn cầu lên cao trong năm nay vì Trung Quốc là nước tiêu thụ hầu hết các mặt hàng lớn nhất thế giới.
Emons cũng dự đoán rằng du lịch của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến làn sóng lạm phát tiếp theo. Trước khi đại dịch phong tỏa hầu hết thế giới, Trung Quốc là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho ngành du lịch toàn cầu. Năm 2019, Bắc Kinh thực sự là quốc gia chi tiêu hàng đầu toàn cầu cho du lịch quốc tế với 155 triệu khách du lịch chi tiêu hơn một phần tư nghìn tỷ đô la ở nước ngoài.
Trong khi lạm phát ở Mỹ đã giảm từ mức cao nhất 9,1% được ghi nhận vào tháng 6, vẫn có những dấu hiệu về áp lực giá cơ bản trong nền kinh tế. Giá xăng tăng 26 xu so với một tháng trước. Lạm phát cơ bản, loại trừ các số liệu về lương thực và năng lượng, vẫn ở mức cao. Và vào sáng thứ Sáu, Bộ Lao động đã báo cáo rằng nền kinh tế đã tạo thêm 517.000 việc làm đáng kinh ngạc trong tháng 1/2023.
Theo Emons, triển vọng về một đợt lạm phát tăng đột biến khác có thể khiến ngân hàng trung ương Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất thậm chí cao hơn dự đoán ban đầu. Ông dự đoán rằng lạm phát sẽ không quay trở lại mức 2% – mục tiêu của Fed – trừ phi có một số “cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính lớn”.
Thúy An