Kinh tế Hồng Kông đứng trước nguy cơ suy thoái nếu biểu tình kéo dài
Trong gần 3 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 8/2019), biểu tình kéo dài liên tục tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã gây nên những hệ lụy tiêu cực tới nền kinh tế “Hòn ngọc Châu Á”. Từ kinh tế vĩ mô cho tới hoạt động của các doanh nghiệp, thậm chí là tài sản của các tỷ phú đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bloomberg, từ ngày 2/7 – 14/8/2019, vốn hoá thị trường chứng khoán Hồng Kông đã “bay hơi” 622 tỷ USD; từ tháng 6 đến 14/8/2019, vốn huy động từ IPO giảm 74%; số khách nước ngoài đến các cửa hàng trong tháng 6 giảm từ 30 – 50%; còn giá nhà hiện tại so với đỉnh tháng 6 giảm 10% chỉ trong hơn một tháng. Các nhà phân tích quan ngại rằng với đà suy giảm như hiện nay, giá trị bất động sản tại Hồng Kông có thể lao dốc.
Năm 2018, GDP của Hồng Kông đạt 2.800 tỷ đô la Hồng Kông (357 tỷ USD), tương đương GDP một ngày là hơn 7,7 tỷ đô la Hồng Kông (981 triệu USD). Các hoạt động biểu tình đã làm sân bay ngưng hoạt động trong hai ngày rưỡi, đồng nghĩa với ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế Hồng Kông nói chung đã bị thiệt hại 620 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 79 triệu USD).
Xét ở góc độ doanh nghiệp, cổ phiếu hãng bất động sản Sun Hung Kai đã giảm 20%; cổ phiếu công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm giảm 19%; cổ phiếu Cathay Pacific giảm 20%
Tài sản của tỷ phú Henry Cheng – Chủ tịch Chow Tai Food và New World Development giảm 20%; của tỷ phú Lee Shau Kee – Nhà sáng lập hãng bất động sản Henderson Land giảm 13%; của tỷ phú Lý Gia Thành – người giàu nhất Hồng Kông giảm 12%.
Theo nhận định của một số chuyên gia, Hồng Kông sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu biểu tình cứ tiếp diễn, bất chấp chính quyền nơi đây đã áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế
Kim Phương