Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 tăng gần 17%
Bộ NN&PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước tính đạt 59,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 33,18 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu ước khoảng 25,9 tỷ USD, giảm 0,5%; xuất siêu 7,3 tỷ USD (cao hơn 664 triệu USD so với cùng kỳ năm trước).
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 16,9% so với kim ngạch xuất khẩu tháng 9; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính đạt 1,4 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,05 tỷ USD, thủy sản đạt 834 triệu USD và chăn nuôi đạt 55 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 33,18 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018 với 6 nhóm/sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD. Nhóm nông sản chính ước đạt 15,25 tỷ USD, giảm 7,4%, chiếm 46,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; lâm sản chính đạt 9,04 tỷ USD, tăng 18,8% và chiếm 27,2% tỉ trọng XK; thủy sản ước đạt 7,06 tỷ USD, giảm 2,4%, tỉ trọng chiếm 21,3%.
Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính 10 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: Cao su đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,6%; chè đạt 187 triệu USD, tăng 14,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 17,8%; quế đạt 145 triệu USD, tăng 31,9%; mây tre, cói đạt 378 triệu USD, tăng 40,6%; các sản chăn nuôi đạt 568 triệu USD, tăng 3,9%.
Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,3%; hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nên giá trị xuất khẩu giảm (hạt điều đạt 2,7 tỷ USD, giảm 4,8% (lượng tăng 21,3%), gạo đạt 2,43 tỷ USD, giảm 9,1% (lượng tăng 6,1%), hạt tiêu đạt 631 triệu USD, giảm 7,2% (lượng tăng 21,2%); riêng cà phê giảm cả về giá trị và lượng, giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,3% (lượng giảm 14,6%).
Về thị trường xuất khẩu: XK sang Trung Quốc 9 tháng đạt 7,94 tỷ USD, giảm 4,2% so với 9 tháng đầu năm 2018, nhưng XK sang Hoa Kỳ tăng mạnh, đạt 6,4 tỷ USD, tăng 13,1%. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Hoa Kỳ.
Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng, ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 21,6 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, dự báo thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ Brexit không thỏa thuận và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố rủi ro gây tác động tới nền kinh tế thế giới.
Sự gia tăng các rào cản thương mại (nhất là từ thị trường Trung Quốc) khiến xuất khẩu nông sản tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh lớn, giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực tiếp tục xu hướng giảm. Diễn biến thời tiết bất thường, dịch tả lợn châu Phi vẫn ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi. Áp lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản.
Với kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 10 tháng qua cho thấy, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng (2,1%), Bộ NN&PTNT nhìn nhận, toàn ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phòng chống thiên tai, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đảm bảo ổn định sản xuất nông lâm thủy sản. Cùng với đó sẽ tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo cân đối cung cầu trong những tháng cuối năm; đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án.
Thu Hương