Kịch bản Nga đóng cửa hoàn toàn các đường ống dẫn khí tới châu Âu
Jeffrey Schott, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với CNBC hôm thứ Hai, rằng nhóm G7 cần phải chuẩn bị cho việc Nga đóng cửa hoàn toàn các đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu trong thời gian tới và nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu.
Ông nói: “G7 phải chuẩn bị cho việc Nga ngừng hoạt động cung cấp khí đốt. G7 có thể đối phó với tình trạng cắt giảm dầu khí. Hiện vẫn có những nguồn cung khác trên khắp thế giới, nhưng khí đốt có thể ngừng hoạt động và điều đó sẽ gây ra hậu quả. Nga đã cắt giảm đáng kể lượng khí đốt chảy sang Đức và qua Ukraine, vì vậy việc đóng cửa các đường ống không phải là điều không tưởng. Nga cũng bán một số lượng khí LNG cho châu Âu nhưng không quá lớn. Tổng nguồn cung của Nga bị cắt giảm sẽ khiến châu Âu phải phân phối lại việc sử dụng khí đốt, ít nhất là trong ngắn hạn. Nguồn cung của Nga sẽ được bù đắp một phần bằng việc tăng nhập khẩu LNG, tăng nguồn cung từ Na Uy và Algeria, chuyển đổi nhiên liệu sang than và các biện pháp bảo tồn”.
Gazprom, nhà cung cấp năng lượng được nhà nước hậu thuẫn của Nga, đã giảm khoảng 60% dòng khí đốt đến châu Âu trong vài tuần qua. Động thái này khiến Đức, Italy, Áo và Hà Lan đều cho biết họ có thể quay trở lại sản xuất than một lần nữa.
Bình luận của ông được đưa ra khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Munich, Đức, để tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Khi áp lực toàn cầu tiếp tục dồn lên Nga do cuộc tấn công của họ vào Ukraine, châu Âu đang đối mặt với “một tình huống rất căng thẳng”, theo Schott cho biết.
Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng lo ngại về khả năng nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngừng hoàn toàn.
Đức tuyên bố gần đây họ đang chuyển sang “mức cảnh báo” của kế hoạch khí đốt khẩn cấp, do dòng chảy của Nga giảm làm trầm trọng thêm lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thông báo rằng Đức sẽ chuyển sang giai đoạn hai trong kế hoạch ba giai đoạn – một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện có nguy cơ cao về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt dài hạn.
EU nhận được khoảng 40% lượng khí đốt của mình thông qua các đường ống của Nga và đang cố gắng giảm nhanh sự phụ thuộc vào các hydrocacbon của Nga để đối phó với cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Điện Kremlin ở Ukraine.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, trước đây đã tìm cách duy trì mối quan hệ năng lượng bền chặt với Moscow.
Schott nói: “Mối đe dọa ở đây là sẽ có một lượng khí đốt bị cắt đứt hoàn toàn, trước khi trữ lượng khí đốt của châu Âu được lấp đầy và đó sẽ là mối đe dọa đối với tăng trưởng của châu Âu và sẽ dẫn tới sự phân bổ lại. Vì vậy, Putin đang đặt những quân bài của mình lên bàn cân và liệu ông ấy có hiện thực hóa mối đe dọa của ông hay không, điều đó vẫn còn phải chờ xem”.
Triệu Huy