Khu đô thị Tây Bắc Tp. Hồ Chí Minh sẽ được quy hoạch thành trung tâm cấp thành phố đa chức năng
UBND Tp.HCM vừa ban hành Quyết định 351/QĐ-UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM.
Theo Quyết định 351/QĐ-UBND, tổng diện tích điều chỉnh Khu đô thị Tây Bắc là hơn 6.000ha. Khu vực điều chỉnh gồm: xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn); các xã Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được giới hạn bởi QL 22, kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Theo quy hoạch, các khu dân cư hiện hữu sẽ được chỉnh trang theo hướng tránh làm cuộc sống của cư dân bị xáo trộn. Quỹ đất trống, hoang hóa sẽ được tận dụng để phân bổ diện tích cây xanh và sân thể thao cho các khu dân cư. Ngoài việc đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân đồng thuận đầu tư những dự án chỉnh trang đô thị. Khu dân cư chỉnh trang đa phần là nhà ở thấp tầng. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ đối với các khu vực tái thiết đô thị. Tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính…, có thể tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu cần tư vấn nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc; nghiên cứu những ý kiến của UBND huyện Củ Chi và người dân. Bên cạnh chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp, khuyến khích người dân đồng thuận hợp tác, đầu tư vào những dự án chỉnh trang đô thị để vừa khai thác hiệu quả sử dụng đất, dần thay đổi bộ mặt đô thị vừa cải thiện, nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng tránh xáo trộn lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Phát huy ưu thế địa hình sông nước, tại khu vực tiếp giáp kênh Đông và các kênh 5, 6, 7, 8 sẽ phát triển mô hình nhà vườn với mật độ xây dựng thấp. Ngoài ra, dọc các tuyến kênh này sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng các tuyến đường giao thông ven sông, kênh, rạch… có kết nối với mạng giao thông toàn khu vực, phù hợp với cảnh quan bờ sông, kênh.
Đối với những khu ở mới sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật. Các công trình cao tầng được ưu tiên bố trí dọc các trục giao thông chính như dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương – Củ Chi), trục song hành QL 22… Càng về phía sau, không gian kiến trúc sẽ thấp dần. Các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2 sẽ bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng).
Khu đô thị Tây Bắc hình thành với mục tiêu tạo động lực phát triển nhanh khu vực, kể cả các huyện thuộc tỉnh Long An, Tây Ninh giáp ranh thành phố cùng phát triển. Khu đô thị sẽ được quy hoạch thành trung tâm cấp thành phố đa chức năng như y tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao. Dự kiến, đến năm 2025, dân số tại đây là 300.000 người, không thay đổi so với quy hoạch hiện hữu (đang được nghiên cứu điều chỉnh).
Về chức năng phát triển công nghiệp vẫn được duy trì ở Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM, nhưng được điều chỉnh theo hướng là công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, dịch vụ công nghệ cao. Ngay cả KCN Tân Phú Trung hiện hữu cũng phải chuyển theo hướng đó. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án khu đô thị đại học quốc tế nhằm san sẻ áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố.
Minh Anh