Khởi sắc bức tranh xuất khẩu những tháng cuối năm

Do có nhiều mặt hàng bước vào vụ sản xuất, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế tăng mạnh nên Bộ Công Thương đưa ra dự báo những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên đi kèm đó là không ít khó khăn, thách thức.

Dệt may là nhóm hàng có kim ngạch XK lớn thứ 2

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2018 có đến 5 nhóm hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tỷ USD (điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép); đóng góp tới 60% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng chính là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng trước; tương tự hàng dệt may ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 0,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6%; giày dép ước đạt 1,4 tỷ USD. Điểm sáng đáng ghi nhận là từ đầu năm đến nay, 5 nhóm hàng chủ lực này đều duy trì mức tăng trưởng cao với 4/5 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng 2 con số và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu 5 nhóm hàng chủ lực này đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 8/2018 ước đạt 41,9 tỷ USD (tăng 1,5% so với tháng trước) nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung  tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 8 tháng ước đạt 308,07 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2018 ước tính thâm hụt ở mức 100 triệu USD, bằng 0,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước; như vậy lũy kế hết tháng 8, cả nước vẫn xuất siêu hơn 2,75 tỷ USD.

Bộ Công Thương đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh do các doanh nghiệp mới nhập khẩu tăng mạnh đối với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như: hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su, bông, sắt thép.  Đặc biệt, tăng trưởng sẽ ở mức cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như: dệt may, giày dép, đồ gỗ…  Tuy nhiên trong thời gian tới mặt hàng thủy sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang. Bên cạnh đó giá nông, thủy sản có xu hướng giảm cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

“Điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu thời gian tới là việc Việt Nam đang tập trung hoàn thành phê chuẩn và đưa hai Hiệp định quan trọng (Hiệp định Đối tác Toàn diện&Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) đi vào thực thi vào năm 2019. Đây sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Nắm bắt cơ hội này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA; triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam luôn hiệu quả và bền vững.

Theo : Victor Thai