Khó chồng khó, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ
Bên cạnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản còn “than trời” bởi hàng loạt những bất cập trong chính sách, quy định của các cơ quan chức năng…
Cụ thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết một trong những bất cập hiện nay ánh chính là quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì lô thủy sản xuất khẩu. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp thủy sản, khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đòi hỏi có thư ủy quyền của khách hàng (phải bản gốc), trong đó phải có thời hạn ủy quyền và hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận kèm theo bảng dịch thuật tiếng Việt. Để có được đầy đủ các giấy tờ, nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20 – 30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong thời gian này, doanh nghiệp vừa mất thời gian chờ đợi vừa phải trả lãi suất vay ngân hàng và chi phí kho bãi. Trong khi trên thực tế, quy định này không hề có trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Thêm một bất cập nữa nằm ở thuế phế liệu phế phẩm dư thừa và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thay vì nộp cả hai loại thuế này cho chi cục thuế địa phương như trước đây thì kể từ tháng 6/2018 đến nay, thuế phế liệu phế phẩm dư thừa được chuyển sang nộp cho cơ quan hải quan, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn nộp cho chi cục thuế địa phương. Hậu quả là doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, chi phí thực hiện. Thêm vào đó việc xác định sản phẩm “sơ chế” và “chế biến” trong ngành thủy sản vẫn còn khá mập mờ, dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp bị các cơ quan ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong khi đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất 15% theo Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính
Theo ghi nhận của ông Trương Đình Hòe – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vasep, những bất cập trong các văn bản, quy định, thủ tục hành chính áp dụng cho ngành thủy sản khiến doanh nghiệp phải hứng “trái đắng”. Năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Tuy nhiên trên thực tế mục tiêu này khó đạt được, đặt trong trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu; cộng thêm rào cản trong chính sách, quy định của các cơ quan chức năng; khó tận dụng các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết…đẩy doanh nghiệp thủy sản vào thế khó.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Vasep kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý sớm sửa đổi, điều chỉnh các quy định bất hợp lý ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ và Bộ Tài chính cần xem xét, sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng cho phép doanh nghiệp kê khai và nộp tất cả khoản thuế liên quan đến phế liệu, phế phẩm, vật tư dư thừa đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu cho cơ quan thuế nội địa; qua đó vừa giúp đơn giản hóa thủ tục vừa tiết giảm chi phí, thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra các doanh nghiệp thủy sản cũng mong muốn trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách, các bộ, ban ngành cần quan tâm lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp để các cơ chế, chính sách bám sát thực tiễn và phù hợp với xu thế hội nhập, thực thi các Hiệp định thương mại tự do