Khẩu trang vải kháng khuẩn có thể thay thế khẩu trang y tế trong công tác phòng chống dịch?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang y tế là một trong các biện pháp góp phần phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid – 19. Tuy nhiên trong bối cảnh khẩu trang y tế khan hiếm, đa số người dân đã chọn sử dụng các loại khẩu trang vải kháng khuẩn. Câu hỏi đặt ra ở đây là khẩu trang vải kháng khuẩn có thay thế được khẩu trang y tế trong công tác phòng chống dịch?
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Tp.HCM, nếu không có khẩu trang y tế, người dân có thể sử dụng khẩu trang kháng khuẩn tại các khu vực cộng đồng. So với các loại khẩu trang vải thông thường khác, khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn sẽ tốt hơn vì có thêm tính năng diệt được các vi khuẩn, virut bám trên bề mặt của vải. Vải kháng khuẩn thật ra đã được sử dụng từ lâu tại một số quốc gia; đơn cử tại Nhật Bản, vải kháng khuẩn đã được sử dụng để may áo blouse cho nhân viên y tế. Loại vải kháng khuẩn cũng đã được thử nghiệm diệt cả vi khuẩn và virut trên bề mặt vải.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư, nhìn bằng mắt thường người dùng không thể nhận biết được đâu là khẩu trang vải thông thường, đâu là khẩu trang vải kháng khuẩn, mà chỉ dựa vào cam kết, tài liệu chứng minh của nhà sản xuất. Các nhà sản xuất phải chứng minh bằng các dữ liệu là có hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Hiện nay hầu hết khẩu trang vải kháng khuẩn đều có các chức năng như khẩu trang y tế như: có lớp ngoài bằng vải không thấm nước, lớp lọc và kháng khuẩn, lớp giữ ẩm, được Bộ Y tế chứng nhận có diệt khuẩn để diệt virut, hoặc chứng nhận quốc tế. “Nên dùng khẩu trang vải có mặt ngoài không thấm nước để ngừa các giọt bắn. Khẩu trang vải có chức năng khử khuẩn có thể giặt được trong nhiều lần cũng có thể sử dụng, nhưng cần lưu ý chất liệu vải, nguồn gốc xuất xứ” – Người đứng đầu Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Tp.HCM khuyến nghị.
Đồng quan điểm với PGS.TS Lê Thị Anh Thư, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) khuyến nghị người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn thay thế khẩu trang y tế trong công tác phòng dịch. Điều cần lưu ý ở đây là mọi người nên chọn loại khẩu trang vải ngăn cản được các giọt bắn lớn, văng ra xa vào mặt người tiếp xúc. Loại khẩu trang vải đáp ứng được yêu cầu này cần có một lớp vải bên ngoài không thấm nước là được.
Ông Nguyễn Hữu Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Como, cho biết kể từ ngày 12/3/2020, Việt Nam đã có tiêu chuẩn về khẩu trang vải kháng khuẩn và Bộ Y tế đã có những hướng dẫn chi tiết về khẩu trang vải kháng khuẩn. Theo đó khẩu trang kháng khuẩn phải đạt được 3 yêu cầu chính: thứ nhất, ngăn được những giọt bắn của người ho, người nói chuyện khi tiếp xúc gần; thứ hai, ngăn được virut, vi khuẩn với tính chất là lọc bụi mịn và vi lọc; thứ ba, lớp bên trong sẽ kháng được khuẩn, kháng được virut qua nhiều lần giặt. “Đối với người tiêu dùng, ngoài đọc những thông tin quảng bá trên hộp hoặc trên tờ hướng dẫn sử dụng, người tiêu dùng cũng nên vào những trang web của những công ty sản xuất để tìm hiểu vải kháng khuẩn đó được chứng nhận ở đâu, sau bao nhiêu lần giặt khẩu trang vẫn còn tính kháng khuẩn vì càng sau nhiều lần giặt khẩu trang đó vẫn còn tính kháng khuẩn thì càng tốt” – ông Phúc lưu ý.
Có thể thấy đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hướng dẫn quốc tế nào khẳng định khẩu trang vải kháng khuẩn thay được khẩu trang y tế. Tuy nhiên trong tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế như hiện nay, khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn vẫn là sự lựa chọn tốt để sử dụng trong cộng đồng hoặc ở những khu vực ít có nguy cơ trong bệnh viện. Điều quan trọng là nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn phải chứng minh rằng vải của họ đã có thể diệt được vi khuẩn, virut nào; có an toàn cho người sử dụng không; khẩu trang có may thêm lớp kháng thấm, thêm lớp lọc như khẩu trang y tế không…Do đó khi mua khẩu trang vải kháng khuẩn, người dân không nên mua qua mạng, từ các kênh bán hàng không rõ địa chỉ mà chỉ nên mua của các đơn vị dệt may có uy tín, có tem mác, hướng dẫn sử dụng cụ thể…
Xuân Vinh